Trong điều kiện khí hậu ở ĐBSCL có thể áp dụng tổng hợp các biện pháp sau để tăng đậu trái và hạn chế sự rụng trái non: Nên tiến hành thụ phấn bổ sung để làm tăng tỷ lệ đậu trái, có thể chon được trái ở vị trí thích hợp trên cành, trái phát triển đầy đủ, tròn, bán cao giá hơn trái thụ phấn tự nhiên. Thụ phấn bổ sung bằng cách dùng chổi nylon quét qua quét lại để lấy phấn sau đó quét trên nướm hoa ở vị trí cần thụ phấn bổ sung. Thời gian thụ phấn thích hợp từ 19:00 đến 22:00 giờ. Tuy nhiên, nhà vườn ở Chợ Lách, Bến Tre cho rằng sầu riêng Monthong thụ phấn bổ sung có thể làm tăng số hạt chắc. Giai đoạn 7 ngày sau khi đậu trái: Phun NAA nồng độ 20 – 80 ppm và phân bón lá như N:P2O5:K2O theo tỷ lệ 15:30:15 để hạn chế sự rụng trái non. Giai đoạn 3 – 6 tuần sau khi đậu trái, phun GA3 ở nồng độ 5 – 10 ppm để hạn chế sự rụng trái non, giúp cho cuống trái to và giúp cho trái phát triển nhanh hơn. Nếu phát hiện đọt non, có thể phun từ một đến hai lần KNO3 với liều lượng từ 150 – 200g trong 20 lít nước để ngăn chặn sự phát triển của đọt non mới hình thành. Nếu phát hiện đọt ở các giai đoạn sau khi mới hình thành, nông dân Thái Lan được khuyến cáo phun hỗn hợp 30mL axit humic + 60g phân hỗn hợp chứa N:P2O5:K2O theo tỷ lệ 15:30:15 hoặc 10:20 P2O5:30 + 50mL mepiquat chloride (25% hoạt chất) pha trong 20 lít nước.
Ngoài ra, quản lý nước tưới cũng có vai trò quan trọng trong việc tăng đậu trái. khoảng một tuần trước khi hoa nở hoặc 7 tuần sau khi xuất hiện cần phải giảm từ mức bình thường xuống mức 20 – 25% so với lượng nước bốc hơi hằng ngày (đo bằng dụng cụ đo bốc hơi) cho đến khi hoa nở hoàn toàn. Nếu nhiệt độ > 36 độ C, tưới nước đầy đủ cho cây là cần thiết. Ở Thái Lan, hoa nở hoàn toàn lúc 3 giờ chiều là dấu hiệu cho thấy việc quản lý nước tưới đã được thực hiện tốt. Quá trình đậu trái diễn ra trong vòng 3 ngày sau khi hoa nở. Sau khi đậu trái, lượng nước tưới có thể tăng dần lên mức 60 – 70% lượng bốc hơi hằng ngày để thúc đẩy sự phát triển của trái non và chống rụng trái.
Giai đoạn phát triển trái
Trái sầu riêng phát triển theo đường cong đơn giản, tăng trưởng chậm trong giai đoạn đầu, sau đó tăng trưởng nhanh và ổn định đến khi thu hoạch. Trái tăng trưởng chậm trong khoảng 30 ngày đầu sau khi đậu trái. Giai đoạn này trái chỉ tăng trưởng nhanh khi bắt đầu hình thành cơm từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 12, sau đó trái trưởng thành và chín. Thông thường thời gian trái trưởng thành và chín của các giống kéo dài khoảng 30 ngày trước khi thu hoạch. Do đó, thời gian thu hoạch khác nhau giữa các giống chủ yếu do thời gian phát triển cơm trái. Để đạt được năng suất cao và không bị sượng, ngoài việc phòng trừ sâu bệnh cần phải quản lý nước và phân bón đúng theo các thời kỳ phát triển trái.
Khi hoa rụng cánh, phun 0,5% phân bón lá N:P2O5:K2O theo tỷ lệ 15:30:15 để hạn chế rụng trái non, phun hai lần cách nhau 10 – 15 ngày. Sau khi đậu trái 20 – 25 ngày, phun 1 – 1.5% MKP, 10 – 15 ngày/lần để ngăn chặn sự ra đọt non kết hợp bón phân thúc trái lần 1 (phân hỗn hợp N:P2O5:K2O 1:1:1 + Urea theo tỷ lệ 3:1, liều lượng 0.5 – 1 kg/cây tùy theo tuổi và số trái trên cây. Bón phân thúc trái lần 2 ở giai đoạn 55 – 60 ngày sau khi đậu trái, phân hỗn hợp N:P2O5:K2O có tỷ lệ 2:1:3, 0.5 – 1 kg/cây. Ở giai đoạn này có thể kết hợp phun 0.2% Ca(NO3)2 để hạn chế hiện tượng sượng cơm. Đối với giống sầu riêng có thời gian thu hoạch hơn 100 ngày, bón phân nuôi trái lần 3 tương tự như lần 2 ở thời điểm 75 – 80 ngày sau khi đậu trái. Kết hợp phun MgSO4 nồng độ 0.2% và phun KNO3 nồng độ 1% giai đoạn một tháng trước khi thu hoạch để hạn chế hiện tượng sượng cơm.
Giai đoạn phát triển trái chú ý giữ mực nước ở độ sâu từ 60 – 80cm, nên cho nước vào mương từ từ để tránh làm cho cây bị ‘’stress’’ có thể làm rụng hoa. Giai đoạn này nên tưới 2 – 3 ngày/lần, không nên tưới quá đẫm và thường xuyên sẽ làm ẩm độ đất tăng quá cao dễ kích thích cây sầu riêng ra đọt non sẽ dẫn đến làm rụng trái non hay làm cho trái bị sượng nhưng nếu thiếu nước trái sẽ phát triển chậm. Giai đoạn trước khi thu hoạch 15 – 20 ngày nên giảm lượng nước tưới để trái mau chín vì giai đoạn này trái sầu riêng không còn tăng trưởng nữa. Ngoài ra, trong mùa mưa có thể kết hợp với đậy gốc bằng nylon để tránh cho trái không bị nhão cơm. Điều quan trọng khi tưới nước cho sầu riêng là cần kiểm tra độ ẩm trong đất. Tưới nước liên tục, đất lúc nào cũng trong tình trạng bị ‘’oi’’ sẽ dễ bị nấm Phytophthora spp. gây hại nhưng tưới không đủ ẩm nhất là trong mùa khô cây sầu riêng dễ bị cháy lá.
Trong thời gian phát triển trái, kỹ thuật tỉa trái cũng được áp dụng khi có tỷ lệ đậu trái cao để trái phát triển tốt, có kích thước đồng đều vì trái trên cùng một chùm phát triển không đồng đều nhau. ngoài ra, cây mang quá nhiều trái sẽ bị suy kiệt, giảm khả năng cho trái ở những năm tiếp theo hay có thể chết. Cành mang quá nhiều trái cũng có thể bị khô, chết. Ở Thái Lan, tỉa trái là một kỹ thuật canh tác quan trọng được áp dụng để thúc đẩy sự sinh trưởng và tác động đến hình dạng và chất lượng trái. Cành ngang mang trái tốt hơn cành đứng. Trái được để lại ở giữa cành, có dạng hình tháp tính từ ngọn cây để dễ thu hoạch và hạn chế làm gãy cành khi để trái quá nhiều. Ngoài ra, trái ở gần thân chính sẽ chậm phát triển hơn so với trái ngoài cành.
Trái được tỉa lần đầu ở giai đoạn 4 – 5 tuần sau khi đậu trái là trái có kích thước rất nhỏ, dị dạng, ở sát thân chính hay ở ngọn hoặc trái hình thành từ các đợt hoa khác. Số trái chừa lại sau khi tỉa đợt đầu nên nhiều hơn từ 2 – 3 lần số trái cây có thể mang. Khoảng 330 lá khỏe mạnh trên cây có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự sinh trưởng của một trái đến khi thu hoạch. Một tuần sau khi tỉa lần đầu, tỉa trái đợt hai có thể thực hiện đối với trái nhỏ, chậm lớn (gai trái màu đỏ nâu thay vì màu xanh sáng), hoặc trái bị sâu bệnh tấn công. Ở tuần thứ sáu sau khi đậu trái, sự phát triển của trái cần được giám sát hằng tuần cho đến tuần thứ 10 sau khi đậu trái. Các trái dị dạng cần được tỉa bỏ. Tổng cộng số lần tỉa trái là khoảng 5 lần. Tỉa trái ở giai đoạn 30 – 60 ngày sau khi đậu trái. Giai đoạn 30 ngày sẽ tỉa bỏ những trái bị méo, không đều, số trái để lại từ 1.2 – 1.5 lần số trái dự kiến ở thời điểm thu hoạch. Lần hai, ở giai đoạn 45 ngày sau khi đậu trái tỉa bỏ những trái dị dạng, cuống trái nhỏ, trái trên cành nhỏ và cuối cùng 60 ngày sau khi đậu trái tỉa bỏ tất cả những trái nhỏ để tăng độ đồng đều của các trái. Theo kinh nghiệm của nông dân Thái Lan thì nếu cây sầu riêng có 20% trái lớn, 40% trái trung bình và 40% trái nhỏ với trọng lượng trung bình là 1.5kg thì không cần phải tỉa.
Ở ĐBSCL, tỉa trái được thực hiện 2 hay 3 lần ở giai đoạn 4 – 6 tuần sau khi đậu trái (khi trái bằng cái ly và cái chén) nhằm để lại những trái ở những vị trí thích hợp. Không nên để trái ở trên ngọn cây ngoại trừ những trái ở sát thân chính. Trái mọc trên thân chính cũng cần phải tỉa bỏ để ngăn cản sự cạnh tranh quá mức có thể xảy ra. Ngoài ra, cũng không nên để trái ở những cành có kích thước nhỏ, khả năng nuôi trái kém và có thể làm chết cành. Chừa lại 1 2 trái/chùm, tùy theo giống, tuổi cây, khả năng nuôi trái của thân, cành để lại 50 – 150 trái/cây. Để trái quá nhiều dễ làm cho cây sầu riêng bị khô và chết cành hoặc có thể làm chết cả cây. Số trái/cây thích hợp ở từng độ tuổi trên giống sầu riêng Monthong và Chanee. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nông dân ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thì chỉ tỉa hoa và trái khi cây ra nhiều hoa, khi cây ra hoa ít chỉ tỉa một lần khi trái phát triển vì tỉa hoa và trái non sẽ kích thích cho cây ra đọt.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)
Quý khách hàng quan tâm đến sản phẩm đạm hữu cơ Hươu Xanh có thể đặt mua ngay tại đây hoặc liên hệ hotline 0358782777 để được tư vấn về sản phẩm một cách chu đáo nhất!