Cây dâu tằm thuộc loại cây thân gỗ lâu năm. Các bộ phận cấu thành được chia thành cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản. Với mục đích trồng dâu lấy lá nuôi tằm thì cần chú ý đến các bộ phận: rễ, mầm, thân cành và lá.
Rễ dâu: có chức năng hấp thu, dự trữ các chất dinh dưỡng và giữ cho cây bám chắc vào đất;
Mầm dâu: là nguồn gốc của thân, cành, lá và hoa, là cơ sở của các cấp cành;
Thân, cành: vận chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên lá và vận chuyển các sản phẩm quang hợp, các chất hữu cơ xuống phía dưới đến các tế bào của thân, cành, rễ và các bộ phận khác; Thân cành còn là một cái khung để duy trì các cơ quan của cây và là nơi dự trữ dinh dưỡng cho cây;
Lá dâu: là cơ quan thực hiện chức năng quang hợp để tạo nên các chất hữu cơ dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, là nơi thực hiện sự hô hấp và điều hòa thân nhiệt bằng quá trình bốc hơi nước. Năng suất và chất lượng lá dâu ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi tằm.
Điều kiện sinh thái tác động đến quá trình phát triển của dâu
– Ánh sáng: là nhân tố quan trọng nhất vì nó là nguồn năng lượng để cây tiến hành quang hợp tổng hợp ra chất hữu cơ. Dâu là loại cây trồng ưa ánh sáng. Sản lượng và chất lượng lá dâu có quan hệ mật thiết với điều kiện chiếu sáng.
– Nhiệt độ: Cũng là một nhân tố rất quan trọng, tác động mạnh đến sinh trưởng cây dâu vì các hoạt động sinh lý như quang hợp, hô hấp, trao đổi chất đều thay đổi theo nhiệt độ.
– Nước: Rất cần thiết cho việc hấp thụ, hòa tan, vận chuyển dinh dưỡng, quang hợp, trao đổi chất… Hàm lượng nước trong đất quá cao hoặc quá thấp đều làm cây không phát triển được và dễ nhiễm bệnh.
– Đất: Là nền tảng cho sinh trưởng vì nó cung cấp nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Cây dâu không kén đất, tuy nhiên, vùng đất thích hợp nhất là vùng đất ven sông, ven suối.
– Không khí: Quá trình quang hợp và hô hấp của cây đều cần đến oxy và cacbonic trong không khí.
Chu kỳ sinh trưởng của dâu tằm
Chu kỳ sinh trưởng của cây dâu trong 1 năm có 2 thời kỳ: Thời kỳ sinh trưởng (ứng với mùa xuân, hè, thu) và thời kỳ nghỉ đông (ứng với mùa đông). Hoạt động sống của cây ở 2 thời kỳ này rất khác nhau: Thời kỳ sinh trưởng: bắt đầu từ mùa xuân khi cây dâu nảy mầm đến mùa đông khi cây rụng lá; Thời kỳ nghỉ đông: được tính từ khi kết thúc rụng lá ở mùa đông đến khi bắt đầu nảy mầm ở vụ Xuân năm sau. Trong thời kỳ nghỉ đông, mọi hoạt động của cây giảm đi rõ rệt. Cây dâu gần như ngừng sinh trưởng.
(Trích nguồn: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc – Tác giả:PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Lý, TS. Lê Đức Thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Linh)
Quý khách hàng quan tâm đến sản phẩm đạm hữu cơ Hươu Xanh có thể đặt mua ngay tại đây hoặc liên hệ hotline 0358782777 để được tư vấn về sản phẩm một cách chu đáo nhất!