Theo nghiên cứu, lượng K lấy đi gấp đôi so với lượng N tương ứng, trong khi lượng P lấy đi là rất nhỏ. Khảo sát ảnh hưởng của phân N, P, K lên sự sinh trưởng cây sầu riêng giai đoạn chưa mang trái, nhận thấy việc gia tăng lượng N không có ảnh hưởng rõ rệt, tăng P giúp gia tăng chiều cao cây trong khi tăng K ảnh hưởng đến hình dạng cây. Do đó, trong số các khuyến cáo phân bón cho sầu riêng, các công thức phân hữu hiệu nhất có chứa hàm lượng K cao. Ngoài ra, phun qua lá KNO3 và các chất khác trong quá trình phát triển trái cũng giúp làm tăng kích thước trái, tỷ lệ phần ăn được (thịt trái) và tỷ lệ hạt lép. Các tác động đó được cho là do hiệu quả làm giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng thông qua việc ức chế sự ra đọt, phun phân bón lá chứa 20% N, 5% P2O5; 30% K2O kết hợp bón 5kg phân dạng hạt 14 – 14 – 14 + TE làm tăng năng suất và chất lượng trái sầu riêng. Nghiệm thức phun phân bón lá N: P2O5: K2O là 14:14:14 + TE đạt năng suất 158 trái/cây so với 41 trái của nghiệm thức chỉ bón gốc. Tương tự, chất lượng trái (TSS và tỷ lệ phần ăn được) cũng được cải thiện ở nghiệm thức kết hợp phun qua lá và bón gốc.
Ở các vườn quản lý tốt, bón phân cho cây cần dựa trên lượng dinh dưỡng mất đi, không bón theo quan điểm “càng nhiều càng tốt”. Các thông tin thu thập liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của cây và trái, lượng dinh dưỡng đầu vào năng suất giúp cho việc xác định lượng phân cần bón theo công thức sau:
Lượng dinh dưỡng cần bón cho cây = Lượng dinh dưỡng mất đi do thu hoạch trái + Thất thoát (trực di, bay hơi, thẩm lậu và cố định)
Thứ tự hàm lượng nguyên tố mất đi trong trái theo trình tự là:N >= K > Ca >P >Mg > S > Mn > Fe > Zn >Cu >B đề nghị tăng lượng phân bón để bù đắp cho lượng thất thoát do trực di và chảy tràn: 30 – 50% đối với N, 20 – 30% đối với K, Mg và Ca. Đối với P, khuyến cáo bón bổ sung 50 – 80% để bù đắp cho lượng thất thoát do chảy tràn và cố định. Khuyến cáo liên quan đến lượng dinh dưỡng cần bù đắp đối với cây ăn trái á nhiệt đới như sau:
– N: 30 – 40% (bay hơi, chảy tràn, và thấm lậu)
– P: 80 – 100% (cố định và chảy tràn)
– K: 30% (thấm lậu và chảy tràn)
– Ca:10% (thấm lậu và chảy tràn)
– Mg: 25% (thấm lậu và chảy tràn)
Sau đây là ví dụ cách tính toán để điều chỉnh lượng phân bón:
Nếu trước đây, lượng phân K2SO4 bón cho cây là 1.5kg/cây và lượng K trong lá phân tích được là 1.45%. Có thể thấy lượng phân bón như thế là không đủ do lượng K cần thiết trong lá là 1.56 – 1.76%. Như vậy, cần phải điều chỉnh như thế nào? Trừ khi biết rõ loại đất và khí hậu ở nơi trồng, không thể đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào liên quan đến phân bón. Phương pháp tốt nhất là tăng tỷ lệ bón vào năm tiếp theo khoảng 20%, tương ứng 1.8 kg/cây. Nếu lượng K phân tích trong lá là 1.6% – gần với mức chuẩn. Như vậy, ở năm tiếp theo có thể tăng tiếp 10% – tương ứng 2kg K2SO4. Nếu lượng K phân tích trong lá vượt 1.8%, giảm 5% lượng bón cho năm tiếp theo.