Tùy theo đặc điểm giống có khả năng chịu rét hay không và phản ứng của giống đối với thời gian chiếu sáng mà sắp xếp các thời vụ, ngoài ra còn phải căn cứ vào điều kiện thời tiết của từng năm mà điều chỉnh cho hợp lý. Hiện nay có rất nhiều giống cúc mới nhập nội với thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm, nên việc bố trí thời vụ gieo trồng rất linh hoạt, có thể trồng muộn hoặc sớm hơn 1 – 2 tuần để điều khiển hoa ra vào đúng các dịp lễ tết. Nhìn chung thời vụ trồng cúc có thể sắp xếp như sau:
– Vụ xuân hè: Giâm ngọn vào tháng 2, 3 trồng tháng 3, 4, 5 để có hoa vào tháng 6, 7, 8 như các giống CN93, CN98, CN01, tím hè, vàng hè, vàng mai.
– Vụ hè thu: Gồm các giống cúc như CN93, CN01, CN98. Giâm ngọn vào tháng 5, 6 trồng tháng 6, 7, 8 và thu hoặc vào tháng 9, 10, 11.
– Vụ thu đông: Có thể giâm vào tháng 7, 8 trồng tháng 8, 9 cho hoa vào tháng 11, 12 như các giống cúc CN97, CN19, CN20, vàng Đài Loan… Đây là vụ chính trong năm rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cúc khác nhau.
– Vụ đông xuân: Giâm ngọn vào tháng 9, 10 trồng tháng 10, 11 thu hoạch vào tháng 1, 2, 3, như các loại cúc chùm Hà Lan.
Kỹ thuật làm đất, lên luống khi trồng hoa cúc
Do cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, phát triển mạnh và nhiều các rễ phụ nên đất thích hợp nhất cho cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, hay đất sét pha nhiều mùn, có tầng canh tác dày, tương đối bằng phẳng, hơi dốc về một phía, có hệ thống tưới tiêu tốt và pH từ 6 – 6.5. Đất kiềm và đất chua thường không thích hợp với cúc, không nên trồng cúc ở nơi thấp trũng, quá ẩm, thoát nước chậm và nước ứ đọng sẽ làm cho đất thiếu oxy ảnh hưởng đến sự hô hấp của bộ rễ. Trong điều kiện thiếu không khí các vi sinh vật trong đất hoạt động yếu, việc phân giải các chất hữu cơ chậm làm việc hút dinh dưỡng của cây bị cản trở, cúc sẽ bị thối rễ, lá úa vàng, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng phát triển của cây.
Đất trồng cúc cần phải được cày sâu, bừa kỹ rồi phơi rải để tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật hào khí, tăng cường sự lưu thông khí trong đất, làm đất giữ nước, giữ phân tốt. Ngoài ra cày sâu là yêu cầu rất quan trọng khi muốn tăng số cây trên một đơn vị diện tích (nhất là đối với những giống cúc chỉ để một bông to trên cây, mật độ trồng có thể lên tới 60 – 70 cây/m2). Vì mật độ trên một đơn vị diện tích càng lớn thì thể tích do bộ rễ chiếm được trong đất sẽ càng nhỏ đi, cho nên cày sâu, phơi ải kết hợp với bón phân sẽ tạo điều kiện cho bộ rễ ăn sâu xuống đất được dễ dàng. Nhưng không nên làm đất quá nhỏ, quá vụn sẽ phá vỡ cấu tượng và dễ bị đóng bánh khi mưa hoặc tưới đẫm làm ảnh hưởng đến bộ rễ.
Trước khi trồng phải cày đảo lại rồi mới lên luống cao 20 – 30cm, nhưng tùy theo thời vụ mà lên luống cao hay thấp, vụ thu đông trời hanh khô, làm luống thấp có thể giảm bớt ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Vụ xuân do độ ẩm cao, mưa nhiều lên luống cao để dễ thoát nước, có thể đào hốc hoặc rạch luống rồi bón phân lót trước khi trồng từ 10 – 12 ngày. Phân lót gồm có phân chuồng hoai mục và một phần phân hóa học N, P, K. Nên tăng cường bón phân chuồng để làm cho đất thuần thục, cải tạo kết cấu của đất.
(Trích nguồn: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc – Tác giả:PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Lý, TS. Lê Đức Thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Linh)
Quý khách hàng quan tâm đến sản phẩm đạm hữu cơ Hươu Xanh có thể đặt mua ngay tại đây hoặc liên hệ hotline 0358782777 để được tư vấn về sản phẩm một cách chu đáo nhất!