Kỹ thuật bón phân là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng góp phần làm tăng năng suất, phẩm chất hoa. Khi bón phân phải xét đến nhu cầu dinh dưỡng và khả năng hấp thụ của cây, tác dụng của các loại phân bón đến chất lượng hoa, đặc điểm của đất để quyết định lượng phân bón, thời kỳ bón, cách bón…Nguyên tắc bón phân cho cúc là phải đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng. Lượng phân bón thực tế phải cao hơn lượng phân bón lý thuyết vì sau khi bón phân vào đất cây không sử dụng được hết mà một phần bị đất giữ lại, một phần bị rửa trôi.
Việc bón phân cho cúc bao gồm bón lót và bón thúc vì cúc là loại cây rất phàm ăn nên việc bón lót rất cần thiết, không những cung cấp chất màu sớm cho cây con đâm rễ mà còn giữ nước cho cây, củng cố cấu tượng đất. Do sự phân giải chậm của các loại phân hữu cơ nên cần phải bón lót trước khi trồng. Cần chú ý khi trộn phân hỗn hợp phải trộn đúng loại nếu không sẽ làm giảm chất lượng của phân như không trộn vôi và tro với phân bắc, phân chuồng vì vôi và kali trong tro làm mất một phần lớn N trong các loại phân này, vì vậy phải bón vôi và tro trước 5 – 7 ngày, sau đó mới bón các loại phân hữu cơ. Đi đôi với bón lót, trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây cần phải bón thúc những loại phân có hiệu quả nhanh như N, P, K… phân bắc, nước giải có tác dụng làm tăng năng suất và phẩm chất hoa. Thường bón thúc làm 3 lần vào sau trồng 2 – 3 tuần, vào giai đoạn phân cành và hình thành nụ con. Ngoài ra việc bón phân cho cúc còn phụ thuộc vào từng giống, từng thời vụ và điều kiện thời tiết khi bón.
Mật độ, khoảng cách khi trồng hoa cúc
Sau khi cành giâm ra rễ tốt, đủ tiêu chuẩn trồng (cao 6 – 8cm, có 5 – 7 lá, rễ dài 1 – 2cm), cây khỏe, đồng đều không bị nhiễm sâu bệnh hại và mang các đặc trưng hình thái giống, sẽ được trồng ra vườn sản xuất. Trước khi trồng, đất phải được cày ải, lên luống cao, thoát nước và phải được bón phân lót.
Khoảng cách mật độ phải căn cứ vào đặc điểm hình thái từng giống, vào đất tốt hay xấu, mức độ phân bón, khả năng chăm sóc mà quyết định. Hiện nay thường dựa vào đặc điểm giống cho hoa to hay nhỏ, mục đích để 1 bông/cây hay nhiều bông/cây mà xác định mật độ khoảng cách khác nhau.
– Thường đối với những giống hoa to, đường kính từ 9 – 12 cm, cây cao thân mập thẳng và chỉ để 1 bông trên thân thì khoảng cachs là 10 x 14 cm hoặc 12 x 14 cm, với mật độ 550.000 – 600.000 cây/ha như cúc CN93, CN01, vàng Đài Loan…
– Đối với những giống hoa nhỏ đường kính từ 2 – 6 cm, có thể bấm ngọn hoặc không bấm để cây sinh trưởng phát triển tự nhiên, trồng với khoảng cách 10×16 cm hoặc 12 x 16 cm, mật độ 450.000 – 500.000 cây/ha như các loại cúc chùm, CN19, CN20…
Kỹ thuật trồng cây hoa cúc
Để đảm bảo cho cây ở vườn sản xuất, trước khi trồng phải chọn những cây tốt khỏe, đồng đều, không bị nhiễm sâu bệnh hại và không có biểu hiện phân hóa mầm hoa. Cần loại bỏ những cây không đủ tiêu chuẩn trồng ngay từ trong vườn ươm. Việc cấy chuyển phải đảm bảo không làm hỏng hay xây xát bộ rễ còn non và ít của cây giâm.
Sau khi trồng xong phải ấn chặt gốc và tưới đẫm vòng xung quanh gốc. Trời hanh khô ngày phải tưới 2 lần, nếu có điều kiện ủ mùn rác xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây. Những ngày đầu việc tưới nước phải nhẹ nhàng không để cho các lá gần gốc bị dính vào đất hoặc bùn, đất bắn lên các lá non sẽ làm bít các lỗ khí khổng, ảnh hưởng đến sự quang hợp, hô hấp và sự bốc hơi của bộ lá, khi cây chưa hồi xanh trở lại.
(Trích nguồn: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc – Tác giả:PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Lý, TS. Lê Đức Thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Linh)
Quý khách hàng quan tâm đến sản phẩm đạm hữu cơ Hươu Xanh có thể đặt mua ngay tại đây hoặc liên hệ hotline 0358782777 để được tư vấn về sản phẩm một cách chu đáo nhất!