Sau khi đậu trái 7 – 10 ngày hoa sẽ rụng nếu không được thụ phấn. Hiện tượng rụng trái non xuất hiện chủ yếu giai đoạn 3 tuần sau khi đậu trái, sau đó giảm dần và ổn định khoảng 6 tuần sau khi đậu trái. Cơ chế sinh hóa chi phối hiện tượng rụng trái non trên sầu riêng vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, hiện tượng rụng trái non có thể liên quan đến gibberellins (GA). Phun 5 ppm GA (chủ yếu là GA3 và một lượng nhỏ GA1, GA4 và GA7) lên cuống trái ở giai đoạn 6 tuần tuổi giúp giảm tỷ lệ rụng trái, thúc đẩy sự phát triển trái và làm tăng kích thước trái từ 20 – 30%. Điều đó có thể do hàm lượng GA nội sinh (xác định theo lượng tương đương với GA3) trong trái bị suy giảm trong quá trình trưởng thành.
Rụng trái non xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn đầu phát triển trái. Trên giống sầu riêng Sữa hạt lép, tỷ lệ rụng trái tập trung ở giai đoạn 3 tuần sau khi đậu trái, tỷ lệ trái còn lại < 10%. Tỷ lệ rụng trái giảm dần và ổn định sau 6 tuần sau khi đậu trái. Trên trái non cũng tập trung ở giai đoạn 3 tuần sau khi đậu trái.
Nghiên cứu hiệu quả của nồng độ và thời điểm xử lý của gibberellin lên sự rụng trái non sầu riêng Khổ qua xanh, nhận thấy xử lý gibberellin ở nồng độ 5 hoặc 10 ppm có tác dụng làm tăng tỷ lệ trái thu hoạch (43.6% và 45.8%, theo thứ tự) so với đối chứng không xử lý (11,2%). Thời điểm xử lý gibberellin ở giai đoạn 30 và 45 ngày sau khi đậu trái có tỷ lệ trái thu hoạch (40.6% và 45.9%, theo thứ tự) cao hơn so với xử lý ở thời điểm 15 ngày sau khi đậu trái (6.1%). Hàm lượng gibberellin trong hạt sầu riêng thấp nhất ở giai đoạn 6 tuần sau khi đậu trái nên phun gibberellin ở nồng độ 5ppm lên cuống trái ở giai đoạn này làm tăng ngăn cản sự rụng trái non, thúc đẩy sự phát triển trái và làm tăng kích thước trái từ 20 – 30%. Do đó, có thể phun GA3 5ppm ở thời điểm 45 ngày sau khi đậu trái để làm tăng tỷ lệ trái lúc thu hoạch.
Sự phát triển lá trong thời kỳ phát triển trái là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái sầu riêng. Cây sầu riêng thường ra đọt non ở giai đoạn 3 – 8 tuần sau khi đậu trái. Sự phát triển lá trong thời kỳ này làm giảm sự đậu trái, tăng sự rụng trái non, dạng trái bất thường cao và chất lượng trái kém (thịt trái cứng, hơi nâu và không đều). Thực hiện nghiên cứu khảo sát khả năng làm chậm hoặc ức chế sự ra đọt của một số loại phân bón lá và chất điều hòa sinh trưởng. Kết quả cho thấy, phun GA3 thúc đẩy sự phát triển của mầm hoa. Trái lại, sự phát triển của mầm lá bị chậm 3 tuần sau khi phun daminozide và mepiquat chloride ở nồng độ 2.500 ppm. Phun KNO3 (1.5%) và MKP (2.5%) làm cháy lá sau khi phun 3 ngày nhưng làm chậm sự ra lá 14 ngày. Đặc biệt đối với khảo sát phun KNO3, tỷ lệ trái còn lại trên cây đến khi chín cao, tăng trọng lượng trung bình trái trưởng thành. Hơn nữa, tỷ lệ thịt và tỷ lệ hạt lép cũng gia tăng. Đặc biệt, phun paclobutrazol (500 ppm, phun trước khi hoa nở) cũng có tác dụng làm giảm sự ra đọt của sầu riêng Chanee nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái.
Tóm lại, hiện tượng rụng trái non xuất hiện chủ yếu giai đoạn tháng đầu sau khi đậu trái nguyên nhân có thể liên quan đến chất điều hòa sinh trưởng, trong đó, đặc biệt là gibberellin. Trên giống sầu riêng có tỷ lệ hạt lép cao như Cơm vàng sữa hạt lép hay Monthong phun gibberellin nồng độ 5 – 10 ppm có hiệu quả ức chế hiện tượng rụng trái non rất tốt, trong khi trên giống không có hạt lép như Khổ qua xanh, biện pháp này không có hiệu quả. Hiện tượng rụng trái non còn liên quan đến sự ra đọt non, có thể do sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa đọt và trái non. Do đó, cần phải có biện pháp quản lý phân bón và chế độ nước phù hợp không kích thích cho cây ra đọt trong giai đoạn này mới có thể khắc phục được hiện tượng rụng trái non.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)