PHÂN TÍCH CHI TIẾT SỰ PHÂN BỐ SẦU RIÊNG TẠI CÁC TỈNH THÀNH VIỆT NAM

Ở Việt Nam, sầu riêng được trồng chủ yếu ở các tỉnh ở phía Nam từ Đà Nẵng trở vào và một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ là Thừa thiên Huế. Không rõ cây sầu riêng phát triển ở Việt Nam từ lúc nào nhưng theo Nguyễn Đình Khang thì xuất xứ cây sầu riêng ở Việt Nam là do cha cố Gernet đưa từ quần đảo Indonesia sang từ cuối thế kỷ 19.

Trước đây diện tích trồng sầu riêng nhỏ lẻ, được xem là cây đặc sản chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, với một phần nhỏ xuất khẩu sang Đài Loan. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi giá sầu riêng từ 30.000 đ/kg tăng lên gần 60.000 đ/kg vào năm 2018 thì nhà vườn đã tăng đầu tư và mở rộng diện tích rất nhanh chóng. Đến năm 2018 Việt Nam đã có gần 50.000 ha trồng sầu riêng. Sầu riêng đã trở thành cây ăn trái có giá trị kinh tế rất cao, là một trong 12 loại cây ăn trái được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn quy hoạch trồng tập Trung ở Nam Bộ.

Sầu riêng ở Việt Nam chủ yếu ở vùng ĐBSCL, miền ĐNB, Tây Nguyên và một ít ở vùng duyên biển miền Trung. Ở ĐBSCL, sầu riêng được trồng ở vùng đất phù sa nước ngọt không bị ngập mặn và mặn ven sông Tiền và sông Hậu, trong đó tập trung nhiều nhất là tỉnh Tiền Giang, tiếp theo là Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Ở Tiền Giang, sầu riêng được trồng tại huyện Cai Lậy, nổi tiếng với sầu riêng Khổ qua xanh ở cù lao Ngũ Hiệp. Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng mở rộng ra toàn huyện, thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành và cả huyện Cái Bè. Ở Bến Tre, sầu riêng trồng nhiều ở huyện Châu Thành và Chợ Lách. Ở tỉnh Vĩnh Long, sầu riêng trồng nhiều ở cù lao Bình Hòa Phước huyện Long Hồ và cù lao Thanh Bình huyện Vũng Liêm. Ở tỉnh Sóc Trăng sầu riêng được trồng nhiều ở huyện Kế Sách. Vườn sầu riêng ở ĐBSCL thường có đê bao chủ động được nước, ngăn mặn và lũ nên có thể trồng và điều khiển cho cây ra hoa quanh năm. 

Ở miền ĐNB, trước đây sầu riêng được trồng ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, nổi tiếng với vùng cây ăn trái ở Lái Thiêu. Hiện nay sầu riêng trồng nhiều ở vùng Long Khánh, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú tỉnh Đồng Nai, Gò Dầu tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, do giá cao su giảm thấp, sầu riêng cũng phát triển mạnh ở tỉnh Bình Phước. Vùng trồng sầu riêng ở miền Đông Nam Bộ hiện nay chủ yếu là đất có độ dốc nhỏ từ 3-5 độ, độ cao trung bình từ 100-200m so với mực nước biển, nguồn nước tưới nhờ vào sông, suối và đặc biệt là giếng nên thường thiếu nước trong mùa khô. Sầu riêng ở Đồng Nai thường được trồng xen canh với cà phê, tiêu hay cây ăn trái khác như bơ. Nông dân ở miền Đông Nam Bộ chủ yếu canh tác theo điều kiện tự nhiên, rất ít hộ áp dụng kỹ thuật điều khiển ra hoa vụ nghịch.

Ở Tây Nguyên, trước đây sầu riêng trồng nhiều ở tỉnh Đăk Lăk (cả Đăk Nông hiện nay), Gia Lai, Kontum ở độ cao 500-600m so với mặt nước biển và Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) ở độ cao 700-800m so với mặt nước biển. Tây Nguyên là vùng có diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh nhất (2,5 lần) trong cả nước trong ba năm qua. Diện tích trồng sầu riêng ở Tây Nguyên hiện nay đứng thứ nhì, gần bằng diện tích sầu riêng ở ĐBSCL.

 Diện tích trồng sầu riêng đã tăng 2,5 lần trong gần ba năm qua. Sầu riêng ở Tây Nguyên trước đây được trồng xen canh vườn cà phê, đồng thời giá sầu riêng tăng cao nên sầu riêng được đầu tư, chăm sóc để cho thu nhập cao. Do điều kiện ở Tây Nguyên là vùng đất đồi dốc, không bằng phẳng và không chủ động được nguồn nước nên nông dân canh tác sầu riêng chủ yếu theo điều kiện tự nhiên, rất ít nhà vườn áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ. 

Ở các tỉnh Duyên hải ven biển miền Trung, sầu riêng được trồng nhiều ở các huyện giáp với tỉnh Lâm Đồng của tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa. Ngoài ra, sầu riêng cũng được trồng rải rác ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nhìn chung, đây là vùng sầu riêng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa. 

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *