QUÁ TRÌNH ĐẬU TRÁI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Hạt phấn sầu riêng được phóng thích theo từng cụm/khối, vì vậy hạt phấn sầu riêng không thể phát tán nhờ gió. Đối với cây cao, một số loài động vật như sóc bay hoặc dơi có thể có vai trò quan trọng đối với sự thụ phấn của sầu riêng. Ở tỉnh Hậu Giang thuộc vùng ĐBSCL, để tăng hiệu quả thụ phấn nhờ dơi, chuồng nuôi dơi được đặt cạnh bên vườn sầu riêng.

Như vậy, có thể thấy côn trùng và một số loài động vật như sóc bay có vai trò quan trọng đối với sự thụ phấn của sầu riêng. Để tránh ảnh hưởng đến sự thụ phấn và xa hơn là cải thiện sự đậu trái, nếu không thể thu hút các tác nhân giúp thụ phấn thì nên tránh thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến sự thụ phấn. Ở giai đoạn hoa nở, cần tránh phun các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ sâu có mùi.

Sự thụ phấn của sầu riêng cũng bị chi phối bởi tỷ lệ sống của hạt phấn sầu riêng và các yếu tố ảnh hưởng đến sức sống và sự nảy mầm của hạt phấn. Sức sống của hạt phấn khác nhau tùy theo giống. Hạt phấn sẽ mất sức sống theo thời gian. Các điều kiện thời tiết bất lợi như mưa, sương mù, nhiệt độ thấp hơn 18 độ C có thể làm hạt phấn bị hư hại. khả năng nảy mầm của hạt phấn sẽ giảm nhanh chóng chỉ một ngày sau khi phóng thích.

Nếu có mưa hoặc sương mù ở thời điểm nướm nhụy có thể nhận hạt phấn, dịch tiết từ nướm nhụy sẽ bị pha loãng và sẽ không phù hợp cho hạt phấn nảy mầm, do đó hạt phấn không thể nảy mầm và chết. Ngoài ra, khi có mưa lớn hoặc sương mù dày đặc, hạt phấn cũng có thể bị rửa trôi khỏi nướm nhụy. Điều đó giải thích lý do tại sao cây không đậu trái khi có mưa hoặc độ ẩm cao ở thời điểm hoa nở rộ. Ngoài ra, để cải thiện sự đậu trái cũng cần quan tâm đến vấn đề tưới nước cho cây ở giai đoạn hoa nở hoàn toàn. 

Hoa sầu riêng thụ phấn chéo do có hiện tượng tự bất tường hợp và hiện tượng lệch pha (phase) giữa nhị đực và bầu noãn. Do hạt phấn sầu riêng có kích thước khá lớn và dính nên không thể di chuyển nhờ gió mà chủ yếu là côn trùng và đặc biệt là dơi.

Sự đậu trái là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến hình dạng trái vì sự thụ tinh thất bại làm cho hạt không phát triển nên trái sầu riêng bị méo.  Do có hiện tượng bất tương hợp nên sự tự thụ phấn sẽ làm cho năng suất và chất lượng trái giảm, trái bị méo mó, dị dạng, trọng lượng cơm giảm so với khi thụ phấn chéo. Sự tự thụ phấn cũng làm gia tăng tỷ lệ rụng trái. Hiện tượng tự bất tương hợp là nguyên nhân chính làm cho sự tự thụ phấn không diễn ra, sự đậu trái chỉ có thể hoàn thành khi có sự thụ phấn chéo. Hiện tượng tự bất tương hợp là một hiện tượng thường diễn ra đối với sầu riêng, do đó thụ phấn chéo là rất cần thiết để cải thiện sự đậu trái.

Trái tự thụ phấn thường bị méo mó, biến dạng, trọng lượng trái giảm từ 33 – 50%, tỷ lệ ăn được chỉ 20% so với > 30% khi thụ phấn chéo, gai trái dày, không đều, số hộc/trái ít (< 2 hộc), rụng trái nhiều. Trong khi đó trái được thụ phấn bổ sung có tỷ lệ đậu trái cao, năng suất cao và phẩm chất trái tốt hơn. Ngoài ra, ở một số nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ tự thụ phấn của giống sầu riêng Chanee và Kanyao là 0 – 6% và 21%, tuy nhiên nếu thụ phấn chéo bằng tay tỷ lệ đậu trái sẽ tăng lên 30 – 64% và 87 – 90%.

Kỹ thuật thụ phấn bằng tay có hiệu quả làm cải thiện hình dáng và kích thước trái sầu riêng giống Chanee và Kanya. Đặc biệt thụ phấn nhân tạo bổ sung cho sầu riêng Sữa hạt lép bằng phấn sầu riêng Monthong làm tăng khả năng đậu trái từ 13% lên 60 – 93%, tăng tỷ lệ trái cân đối từ 0% lên 50 – 93% và trái được phân bố ở những vị trí cành thuận lợi. Nghiên cứu cũng nhận thấy sầu riêng Sữa hạt lép thụ phấn bổ sung bằng phấn hoa sầu riêng Khổ qua xanh có tỷ lệ ăn được là 34% trong khi thụ phấn bằng chính phấn hoa Sữa hạt lép tỷ lệ ăn được chỉ đạt 13,7%. Tuy nhiên, nguồn phấn có nhiều ảnh hưởng đến đặc điểm phẩm chất trái (màu sắc cơm, mùi, vị) cũng như đặc tính trái (trọng lượng, kích thước, số hộc/trái, số hạt/hộc). Do đó, việc tìm ra giống cho phấn thích hợp cho từng giống sầu riêng nhằm đạt được tỷ lệ đậu trái và năng suất cao là yêu cầu rất quan trọng.

Quan tâm đến sự đậu trái của sầu riêng, cũng cho rằng nếu để sầu riêng thụ phấn tự nhiên sẽ có một số nhược điểm như tỷ lệ đậu trái thấp, vị trí trái không thuận lợi và không chủ động được thời gian thu hoạch. Do đó,việc thụ phấn nhân tạo bổ sung có tác dụng làm tăng tỷ lệ đậu trái, trái có hình dạng cân đối và chủ động được thời gian thu hoạch. Ngoài ra, việc thụ phấn nhân tạo còn tận dụng được ưu thế của hạt phấn chọn làm cây cha.

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *