QUY TRÌNH ĐIỀU KHIỂN SẦU RIÊNG RA HOA

Để điều khiển cho sầu riêng ra hoa rải vụ quanh năm ngoài kỹ thuật xử lý ra hoa bằng cách phủ gốc hay liếp bằng nylon kết hợp với xiết nước, đào hộc xung quanh gốc thân và phun chất ức chế sinh trưởng, đòi hỏi phải áp dụng tổng hợp các kỹ thuật từ tỉa cành, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại, có dại mới có thể đạt được năng suất cao và cơm trái không bị sượng. Quy trình điều khiển sầu riêng ra hoa bắt đầu từ giai đoạn sau thu hoạch, kích thích cho cây ra đọt phục hồi sinh trưởng cho cây, kích thích ra hoa, tăng đậu trái và nuôi trái đạt năng suất cao, không bị sượng cơm đến khi thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho trái chín đồng đều cho thị trường xuất khẩu.

Giai đoạn sau thu hoạch sầu riêng

Mục tiêu chính của giai đoạn này là kích thích cho cây sầu riêng ra 1 – 2 lần đọt để giúp cho cây có khả năng ra hoa, đậu trái và nuôi trái trong vụ tới. Để kích thích cho cây ra đọt tập trung, cần áp dụng một số kỹ thuật sau:

Tỉa cành sầu riêng 

Sau khi thu hoạch cần tiến hành việc tỉa cành nhằm kích thích cho cây sầu riêng ra đọt tập trung giúp cho cây phục hồi khả năng sinh trưởng và cho năng suất ở vụ tiếp theo. Việc tỉa cành còn kết hợp với việc sửa tán giúp cho ánh sáng có thể xuyên qua tán cây. Tỉa bỏ chồi vượt, cành bị sâu bệnh và những cành đan chéo lẫn nhau, cành nằm quá sát mặt đất. Vì hoa và trái sầu riêng chỉ phát triển trên những cành lớn bên trong tán cây nên cần tỉa bỏ những cành nhỏ che khuất lẫn nhau tạo cho tán cây thông thoáng, giúp cho sự thụ phấn được dễ dàng và trái phát triển tốt.

Bón phân cho sầu riêng (cho cây 8 – 10 năm tuổi)

Ở các vùng có thể chủ động được nước tưới trong mùa khô, côngthức phân và lượng phân cần được điều chỉnh tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Ở giai đoạn sau khi thu hoạch, để giúp cây phục hồi và kích thích ra đọt, bón 1 – 2 kg/cây phân hóa học N:P2O5:K2O có tỷ lệ 3:2:1 hay 4:3:2 + 10 – 15 kg/cây phân hữu cơ ủ hoai hay hữu cơ sinh học có nấm Trichoderma để phòng ngừa nấm hại rễ trong đất như Phytophthora spp., Fusarium sp. Sau khi bón phân cần tưới nước cho cây 1 – 2 ngày/lần giúp cho cây mua ra đọt. Lưu ý không nên tưới quá đẫm, nhịp tưới quá dày làm đất lúc nào cũng trong tình trạng oi nước sẽ tạo điều kiện cho nấm Phytophthora palmivora phát triển hại rễ.

Kích thích sầu riêng ra đọt

Kích thích cây ra đọt non cần được thực hiện ngay sau khi thu hoạch. Đây là biện pháp quan trọng, quyết định khả năng ra hoa và nuôi trái trong mùa tới. Khác với một số loại cây ăn trái khác như xoài, nhãn, chất dự trữ trong cây sầu riêng được tập trung trong lá. Nếu cơi đọt ốm yếu, lá bị sâu bệnh tấn công cây sẽ ra hoa và nuôi trái kém. Công việc kích thích cho sầu riêng ra đọt gồm tỉa cành, bón phân và tưới nước.

Ngoài việc bón phân qua rễ, kỹ thuật phun phân bón lá N:P:K có tỷ lệ 1:1:1. 2:1:1 hay 3:1:1 tùy theo tình trạng sinh trưởng của cây cùng với gibberellin ở nồng độ 5 – 10 ppm để kích thích tạo chồi mới khỏe cũng được áp dụng. Sau khi chồi mới đã trưởng thành, phun phân bón lá với tỷ lệ lân và Kali cao như MKP (0- 52 – 34) ở nồng độ 0,5 – 1% cùng với phân vi lượng 2 – 3 tuần/lần để ngăn cản sự phát triển chồi dinh dưỡng.

Khi cây ra đọt non cần chú ý phòng trừ sâu bệnh gây hại. Trong mùa mưa đọt non thường bị nấm Phytophthora palmivora tấn công làm rụng lá, có khi chỉ còn trơ cành. Trong mùa khô cần chú ý phòng ngừa rầy nhẩy (Allocaridara inalayensis), rầy xanh, bọ trĩ, tấn công chích hút lá và đọt non. 

Ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhà vườn thường kích thích cho cây sầu riêng ra 2 – 3 đợt đọt trước khi tiến hành xử lý ra hoa. Để kích thích cho cây ra đợt đọt thứ hai, thứ ba đồng loạt có thể phun phân bón lá MKP (0 – 52 – 34) nồng độ từ 0.5 – 1% kết hợp với ngưng tưới nước cho đợt đọt nước trưởng thành, đồng đều rồi mới áp dụng các kỹ thuật thúc đẩy cho cây ra đợt đọt mới.

Tạo mầm hoa và kích thích trổ hoa 

Áp dụng các biện pháp kích thích ra hoa giúp cho cây ra hoa tập trung, không ra hoa và đậu trái nhiều đợt sẽ tránh được tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa quá trình phát triển trái và sự sinh trưởng dinh dưỡng (ra đọt non); sự cạnh tranh giữa các đợt hoa, giữa hoa và trái non và giữa trái nhỏ và trái lớn. Sự cạnh tranh dinh dưỡng trên cây sầu riêng thường gây ra hiện tượng rụng hoa, rụng trái non và sượng cơm trái. Cây sầu riêng ra hoa tập trung sẽ làm tăng năng suất trái do không bị rụng trái non đồng thời có chất lượng trái cao do trái không bị ‘’sượng’’. Do đó, dù là vụ thuận cũng cần phải áp dụng kỹ thuật kích thích ra hoa cho cây ra hoa tập trung sẽ dễ chăm sóc và quản lý hơn để tự nhiên cây ra hoa nhiều đợt.

Ở giai đoạn 1 tháng trước khi kích thích ra hoa, để thúc đẩy hình thành mầm hoa có thể bón phân có tỷ lệ 1:3:2 hay 1:3:3 hoặc đơn giản hơn, có thể trộn KCL + DAP tỷ lệ 2:1, bón với liều lượng 0.5 kg/cây.

Kích thích sầu riêng ra hoa mùa nghịch bằng cách phun PBZ ở nồng độ từ 1.000 – 1.500 ppm đều lên hai mặt lá khi lá đã phát triển hoàn toàn, có màu xanh nhạt, kết hợp với phủ nylon trên mặt liếp và rút nước trong mương khô kiệt. Hiện nay, nhà vườn ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Chợ Lách tỉnh Bến Tre còn kết hợp biện pháp cắt hộc để tăng hiệu quả ra hoa. Trước khi áp dụng các biện pháp xử lý ra hoa cần phun phân có hàm lượng lân và Kali cao như MKP (0 – 52 – 34) nồng độ từ 0.5 – 10% cho lá trưởng thành đồng đều và ức chế sự ra đọt non. Phun hóa chất trước hay phủ nylon mặt liếp đôi khi cũng là vấn đề được nhà vườn quan tâm. Nhà vườn thường phun hóa chất ức chế sinh trưởng trước khi phủ liếp cho hóa chất có thể thấm vào đất. Tăng hiệu quả hơn nếu cây mới cho trái vài năm đầu, sinh trưởng mạnh, trong khi phủ liếp trước, phun hóa chất sau để hóa chất không thấm vào đất, hạn chế được sự lưu tồn nếu cây trưởng thành hay trong thời vụ ra hoa thuận lợi.

Thời gian đầu ra hoa phụ thuộc vào từng giống, thời vụ và kỹ thuật xử lý. Trung bình thời gian từ khi kích thích đến khi nhú mầm hoa từ 25 – 30 ngày, nếu điều kiện thuận lợi cây sẽ ra hoa sớm hơn, từ 20 – 25 ngày, ngược lại thời gian nhú mầm hoa có thể kéo dài đến 35 – 40 ngày. Cần chấm dứt quá trình kích thích ra hoa khi thấy mầm hoa phát triển. Cuốn nylon phủ mặt liếp, bón phân và tưới nước cho mầm hoa phát triển. Nhà vườn huyện Chợ Lách, Bến Tre thường bón phân N:P2O5:K2O – 1:1:1 với liều lượng 0.5 – 1.0 kg/cây để thúc mầm hoa phát triển. Một điểm cần lưu ý là, trong vụ thuận, mầm hoa xuất hiện trong điều kiện lạnh và khô, nếu điều kiện quá khắc nghiệt như ở miền ĐNB mầm hoa sẽ không phát triển được. Mầm hoa chỉ phát triển khi có mưa. Do đó, trong thời vụ này cần tưới đủ ẩm cho mầm hoa phát triển. Khi mầm hoa vừa nhú (có kích thước bằng hạt gạo, nông dân gọi là mắt cua), sẽ đi vào miên trạng và không thể phát triển nếu gặp mưa. Do đó, nên phun chất phá miên trạng như Nitrate Kali nồng độ 0.5 – 1% để phá sự miên trạng mầm hoa, giúp cho hoa ra tập trung, đồng loạt. Trong mùa khô cũng nên phun hóa chất phá miên trạng cho hoa ra tập trung.

Cây sầu riêng ra đọt non trong giai đoạn đậu trái hay phát triển trái đều gây ra sự phát triển trái. Tuy nhiên, nếu cây không ra đọt cũng làm cho trái phát triển bất bình thường, hay bị dị dạng do thiếu nguồn cung cấp chất dinh dưỡng (carbohydrate – sản phẩm quang hợp). Quan tâm đến điều này, nhà vườn thường chú ý ‘’kéo đọt’’ – kích thích cho cây sầu riêng ra đọt sau khi mầm hoa xuất hiện khoảng 7 – 10 ngày (hoa dài 4 – 5cm) bằng cách phun gibberellin ở nồng độ 10 – 15 ppm hay kết hợp với phân bón lá có hàm lượng đạm cao như N:P2O5:K2O – 2:1:1 hay 3:1:1 để kích thích ra đọt non. Thời điểm kích thích sao cho lá non nở ra cùng thời điểm với hoa nở sẽ không có sự cạnh tranh giữa hoa và đọt non. Nếu kích thích ra đọt trễ, khi hoa đã nở, hoa thường bị rụng do bị đọt cạnh tranh dinh dưỡng. Đợt đọt non kích thích trong giai đoạn này sẽ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng nuôi trái sau này. Khi kích thích ra hoa với nồng độ PBZ quá cao sẽ khó kích thích cây ra đọt non ngay sau khi nhú mầm hoa.

(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *