TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, TIÊU THỤ VÀ PHÂN BỔ SẦU RIÊNG TẠI VIỆT NAM

Tình hình sản xuất, tiêu thụ và phân bổ sầu riêng tại các tỉnh thành Việt Nam

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (2019), diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam năm 2018 hơn 47 ngàn hecta, tăng 1,8 lần so với năm 2015. Cây sầu riêng trước đây được xem là cây ăn trái đặc sản nhưng hiện nay đã trở thành loại cây ăn trái quan trọng trong số 10 loại cây có giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, sầu riêng được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiếp theo là Tây nguyên, miền Đông Nam Bộ (ĐNB) và các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ.

Ở ĐBSCL, sầu riêng trồng nhiều nhất ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, tiếp theo là Chợ Lách (Bến Tre), cù lao Thanh Bình huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), Kế Sách (Sóc Trăng). Huyện Cai Lậy là vùng trồng sầu riêng lâu đời, nổi tiếng với giống sầu riêng Khổ qua xanh ở cù lao Ngũ Hiệp. Hiện nay, do có hiệu quả kinh tế cao, cây sầu riêng không những phát triển sang huyện Châu Thành và huyện Cái Bè. Ở Bến tre, sầu riêng trồng nhiều ở huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành. Sầu riêng ở ĐBSCL, trồng chủ yếu dưới hình thức chuyên canh nhưng quy mô nhỏ, thường nhỏ hơn một hecta.

Ở Tây Nguyên, mặc dù cũng được trồng ở hai tỉnh Pleiku và Kontum, sầu riêng được trồng chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk (bao gồm cả Đăk Nông) với độ cao trung bình khoảng 500-600m so với mực nước biển và ở Bảo Lộc, Di Linh (Tỉnh Lâm Đồng) sầu riêng được trồng ở độ cao trung bình 800-900m. Sầu riêng thường được trồng xen canh với cà phê, tiêu hay các loại cây ăn trái khác như bơ. Trước đây sầu riêng được xem là cây trồng xen trong vườn cà phê, cũng có thể là cây che mát cho cà phê, tán cây cao nhưng hiện nay do có hiệu quả kinh tế cao nên sầu riêng trở thành cây trồng chính, nông dân đốn bỏ cà phê, cây ăn trái khác để trở thành vườn sầu riêng chuyên canh.

Tình hình sản xuất, tiêu thụ và phân bổ sầu riêng tại các tỉnh thành Việt Nam

Ở vùng Đông Nam Bộ, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Long Khánh, Cẩm Mỹ, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), ở Tây Ninh sầu riêng được trồng nhiều ở vùng Gò Dầu. Cũng giống như ở Tây Nguyên, sầu riêng ở miền Đông Nam Bộ trước đây là cây trồng xen với tiêu, cây ăn trái khác nên tán cây thường cao, tương đối khó quản lý so với mô hình chuyên canh ĐBSCL.

 Ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, sầu riêng trồng nhiều ở các huyện vùng miền núi ở huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận và huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, sầu riêng cũng được trồng rải rác ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đặc biệt ở tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng ghi nhận có trồng sầu riêng ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc nhưng với diện tích rất nhỏ.

Do có khác biệt về điều kiện địa hình và độ cao nên sầu riêng ở Việt Nam hình thành bốn vùng sản xuất chính. Vùng ĐBSCL do chủ động được nguồn nước nên có thể xử lý ra hoa và thu hoạch quanh năm. Vùng miền Đông Nam Bộ có độ cao trung bình trên dưới 100m, không chủ động được nước nên sầu riêng ra hoa theo mùa, thu hoạch vào tháng 7 – 8. Vùng Đăk Lăk và Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng ) đều là vùng đồi núi, không chủ động nguồn nước, không sản xuất sầu riêng nghịch vụ nhưng do vùng Đăk Lăk có độ cao trung bình 500m thấp hơn vùng Bảo Lộc và Di Linh với độ cao trung bình 800 – 900 m nên thời vụ thu hoạch của Đăk Lăk sớm hơn (tháng 8 – 9) so với vùng Bảo Lộc (tháng 9 – 10). Tóm lại, do điều kiện địa hình và điều kiện khí hậu nên sầu riêng ở Việt Nam hình thành nên những vùng sản xuất khác nhau, kéo dài thời vụ thu hoạch góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hay tiêu thụ ở những thị trường cao cấp.

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *