TỔNG HỢP BỆNH HẠI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG VÀ CÁCH XỬ LÝ

Bệnh do Phytophthora spp. gây ra như xì mủ thân, thối trái, thối rễ cũng là bệnh hại quan trọng rất ở hầu hết các nước trồng sầu riêng ở Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Philippines, Cambodia và Úc. Theo kết quả điều tra của bệnh hại quan trọng nhất trên cây sầu riêng ở Cai lậy bao gồm thối gốc chảy nhựa, tiếp theo là cháy lá (thán thư) và thối trái. Ngoài ra, bệnh đốm rong do tảo gây hại cũng là bệnh xuất hiện khá phổ biến trên hầu hết các vườn trồng sầu riêng nhưng nhà vườn thường ít quan tâm phòng trị mặc dù bệnh làm cây bị khô cành, suy kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và năng suất sầu riêng.

Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides)

Trên trái, thán thư là bệnh sau thu hoạch rất quan trọng. Ngoài ra, bệnh cũng xuất hiện phổ biến trên lá của cây con và cây trưởng thành, làm cho nhánh bị chết. Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở chóp lá, đôi khi ở mép lá như là các đốm riêng biệt có kích thước đều nhau hoặc các mảng không đồng đều. Vết bệnh phát triển dần xuống phiến lá, có màu xám – nâu và có các vòng tròn đồng tâm hình thành bởi các đốm nhỏ – là các quả thể vô tính. Trong điều kiện ẩm độ cao, các quả thể vô tính hình thành và có màu cam của bào tử. Lá non thường bị quăn queo và rụng. Chết nhánh diễn ra dần dần từ ngoài vào trong. Bệnh lây lan bởi bào tử đính hình thành ở các vết bệnh. Gió và nước mưa là hai tác nhân chính phát tán bào tử. Khí hậu ẩm ướt rất cần thiết cho quá trình phát tán bào tử và hình thành vết bệnh. Để phòng trừ bệnh, có thể dùng Mancozeb, thuốc gốc đồng và các loại thuốc trừ nấm khác thuộc nhóm triazole (propiconazole, tebuconazole) hoặc strobirulins (azoxystrobin).

Bệnh xì mủ thân (Phytophthora palmivora)

Phytophthora palmivora là tác nhân gây hại quan trọng nhất trên cây sầu riêng ở hầu hết các nước trên thế giới như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, philippines, Úc. Ở Việt Nam cho biết nấm P. palmivora xuất hiện ở cả ba vùng được điều tra là Quế Sơn (Quảng Nam), Long Khánh (Đồng Nai) và Cái Bè (Tiền Giang), trong đó ở Cái Bè có tỷ lệ bệnh cao nhất (24.6%). P.palmivora gây nhiều bệnh trên cây sầu riêng như: cháy lá, xì mủ thân, thối trái và thối rễ. P.palmivora gây hại nặng ở những vườn trồng dày, ẩm độ cao, nhất là ở vùng xung quanh gốc. Bệnh phát triển nhanh trên đất nghèo dinh dưỡng, đất thoát nước kém.

  1. palmivora có thể tấn công gây hại ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng, nấm P. palmivora có nguồn gốc từ đất có tính độc cao hơn các chủng có từ mô cây và lá. Nhận thấy trong điều kiện chủng bệnh nhân tạo trong phòng thí nghiệm, hầu hết các giống sầu riêng ở ĐBSCL đều nhiễm bệnh nhưng giống Chanee, Lá quéo, Tứ quý, D101, D2 và D6 có mức nhiễm bệnh nhẹ hơn.

P.palmivora là loài duy nhất được ghi nhận gây hại trên sầu riêng và ca cao ở các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang và Bến Tre. Tuy nhiên, ký chủ khác nhau đã phân hóa tính gây bệnh theo hướng chuyên biệt ký chủ. Nguồn bệnh trên cây ca cao có khả năng xâm nhiễm gây bệnh trên sầu riêng nhưng nguồn bệnh trên cây sầu riêng gây bệnh nhẹ hoặc không hình thành vết bệnh điển hình trên cây ca cao ngay cả trong điều kiện chủng bệnh nhân tạo.

Phòng trị bệnh do Phytophthora spp. gây hại

Phòng trị bằng biện pháp sinh học, cho biết ba chủng nấm Trichoderma T-BM2a, T-CB8c và T-CTTG6b sử dụng đơn lẻ hay phối hợp đều tỏ ra có hiệu quả cao trong việc khống chế bệnh hại do nấm P.palmivora gây ra trên các vườn sầu riêng tại Cần Thơ, Vĩnh Long và Tiền Giang so với thuốc trừ bệnh Curzata M-8 72WP.

Đối với bệnh thối trái, phun Aliette hay Phosphonate có hiệu quả hơn Metaxyl và Ridomil và có hiệu lực kéo dài hơn ba ngày. Tiêm Fosetyl aluminium (Aliette 80WP) với liều lượng 30 g a.i./cây, 3 lần/vụ có hiệu quả làm giảm bệnh thối vỏ chảy nhựa và thối trái sầu riêng. Để tăng cường khả năng chống chịu với bệnh thối rễ và xì mủ thân, ở Thái Lan áp dụng kỹ thuật ghép cho cây sầu riêng có 2 – 3 gốc ghép. Ghép thêm 2 – 3 gốc cho cây sầu riêng giúp cho cây sinh trưởng khỏe hơn, mau cho trái và tỷ lệ đậu trái cao hơn. 

Biện pháp phòng trừ bệnh xì mủ thân quan trọng nhất là đất phải thoát thủy tốt. Ngoài ra, cần kết hợp phun thuốc đặc trị trước khi mùa mưa đến và tiếp tục phun thêm 2 lần nữa trong các tháng mùa mưa. Khuyến cáo một số biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nấm P.palmivora như sau:

  • Mực thủy cấp vườn phải lớn hơn 80cm;
  • Trồng với mật độ từ 80 – 100 cây/ha;
  • Cắt bỏ những cành cách mặt đất 100cm;
  • Sử dụng gốc ghép kháng bệnh như giống lá quéo ở Tiền Giang;
  • Không trồng xen với những cây mẫn cảm với bệnh như đu đủ, dừa, ca cao;
  • Áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt để không lây lan mầm bệnh;
  • Phủ gốc để không làm tăng ẩm độ quá cao khi mưa dầm.

Bệnh chết nhanh trên cây sầu riêng

Bệnh xuất hiện trong những năm gần đây. Cây bị chết nhanh, đặc biệt là đối với những cây đang mang trái. Triệu chứng được mô tả là một phần thân bị khô, vỏ thân bị khô và có màu sáng hơn thân cây bình thường, phần gỗ bị hóa nâu, chảy chỉ màu nâu đen, ngay cả vỏ thân phía trong cũng cũng bị nâu, nông dân gọi là ‘’xì mủ khô’’. Tác nhân gây bệnh là nấm Phytophthora citricola. Tác giả nhận thấy hai giống sầu riêng cơm vàng Sữa hạt lép và Chuồng bò (Tiền Giang) có chỉ số bệnh thấp nhất khi chủng bệnh và hai loại thuốc Aliette và Đồng đỏ đều có hiệu quả phòng trừ loại nấm này.

Bệnh thối rễ trên cây sầu riêng 

Bệnh thối rễ do nấm Pythium vexans được ghi nhận lần đầu bởi trên sầu riêng trồng ở Singapore. Bệnh cũng có thể tấn công và làm chết cây con. Bộ lá của cây con bị bệnh rũ xuống và chuyển sang màu nâu. Phần mô vỏ và hệ mạch của rễ chính bị thối. Sự xâm nhiễm thường bắt đầu từ rễ non và lan dần sang các rễ bên và lây lan lên thân cây. Triệu chứng thể hiện ở các bộ phận trên mặt đất chủ yếu là chết nhánh từ ngoài tán vào trong, biểu hiện ở một phần tán cây nên dễ nhầm lẫn với bệnh thối rễ do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Do đó cần phải phân lập để khẳng định tác nhân gây bệnh.

P.vexans dễ dàng tạo bào tử noãn. Túi bào tử có hình dạng thay đổi từ hình trứng đến hình quả lê và tạo ra động bào tử. Nấm gây bệnh có thể tồn tại trong đất dưới hình thức hoại sinh hoặc ký sinh. Bào tử noãn là hình thức chủ yếu giúp nấm bệnh sống sót trong điều kiện bất lợi, trong khi quá trình xâm nhiễm diễn ra chủ yếu với động bào tử. Nhiệt độ tốt nhất cho sự phát triển của nấm là từ 30 – 35 độ C. Nấm phát triển mạnh và lây lan nhanh chóng trong điều kiện ẩm ướt. Do đó, không nên trồng sầu riêng ở những nơi bị oi nước hoặc có nguy cơ ngập úng. Lên mô, hệ thống thoát nước, phủ gốc, quản lý phân bón và tưới nước là các biện pháp có thể sử dụng trong quản lý bệnh thối rễ. Ngoài ra, tưới gốc Metalaxyl hoặc dùng các loại phân bón hữu cơ có bổ sung Trichoderma cũng có thể giúp kiểm soát bệnh.

Bệnh rễ trắng (Rigidoporus lignoses)

Bệnh rễ trắng thường diễn ra trên đất có trồng cao sau và khoai mì ở các năm trước. Bệnh có thể gây hại nghiêm trọng trong 6 năm đầu sau khi trồng. Cây nhiễm bệnh sẽ chết nếu không được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu phát triển bệnh. Bệnh rễ trắng làm cho lá bị héo, chuyển sang màu vàng nâu, nhăn nheo và cuối cùng là cây chết. Các dấu hiệu của bệnh ở dưới đất có thể thấy bao gồm lớp nấm dày màu trắng bao phủ rễ. Ở phần gốc của cây đã chết, nấm bệnh hình thành quả đảm cứng, màu vàng cam.

Bệnh lây lan nhờ gió và côn trùng mang các bào tử đảm hình thành với số lượng lớn ở phần dưới của mũ nấm. Bệnh cũng có thể phát tán khi có sự tiếp xúc với rễ bệnh, thân cây mục và các mảnh vụn của rễ. Dọn dẹp các tàn dư và xác bã thực vật thật kỹ trong quá trình chuẩn bị đất trồng có thể giúp ngăn ngừa bệnh. Tất cả thân, rễ và tàn dư của vụ trước cần được gom lại và đốt. Có thể xử lý hố trồng với lưu huỳnh hoặc tưới thuốc trừ nấm bệnh. Nên đào hộc xung quanh cây bị bệnh để cách ly cây bệnh và xử lý hộc bằng cách rải lưu huỳnh hoặc tưới thuốc trừ bệnh. Ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển bệnh, rễ bị nhiễm bệnh cần được làm sạch đất và phết thuốc trừ bệnh như quintozene, trichoderma, penconazole hoặc triadimenol. Một biện pháp khác là trồng các loại cây họ đậu để thúc đẩy sự phát triển của các loài đối kháng như Trichoderma, T.harzianum, T.hamatum và T.koningii đối kháng với nấm R. lignosus. Do đó, có thể sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học có bổ sung Trichoderma để phòng ngừa và hạn chế sự phát triển của bệnh.

Bệnh đốm rong

Bệnh đốm rong do một loài tảo lục (Cephaleuros virescens) gây ra. Bệnh có thể tấn công nhiều loại cây trồng khác nhau như bơ, sake, khế, cây có múi, sầu riêng, nhãn, vải, xoài, măng cụt và chôm chôm. Tản của tảo có màu cam hoặc màu rỉ sắt và phát triển ở dưới lớp biểu bì của ký chủ. Ảnh hưởng của nồng độ của thời điểm xử lý GA3 lên tỷ lệ trái lúc thu hoạch (%). Kích thước của túi bào tử (sporangia) là 30 x 25 μm. Các động bào tử hai roi được hình thành từ túi bào tử. Túi giao tử được hình thành từ tản của tảo. Túi giao tử phóng thích tử hai roi trong nước. Túi giao tử hợp nhất theo cặp để tạo ra thể bào tử.

Bệnh đốm rong là vấn đề phổ biến ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhưng thông thường chỉ trở nên nghiêm trọng ở các vườn quản lý kém. Bệnh đốm rong cần có môi trường ẩm độ cao để tấn công và phát tán. Động bào tử của tảo là tác nhân lây nhiễm chính, được phát tán bởi nước mưa và gió. Tỉa cành, giảm mật độ trồng để tăng sự thông thoáng và giảm điều kiện có lợi cho sự phát triển của bệnh. Một số loài thuốc trừ bệnh và tảo có chứa đồng có thể được dùng trong các trường hợp nghiêm trọng.

Đốm lá Phomopsis

Bệnh đốm lá Phomopsis (Phomopsic durionis) là một loại bệnh ít quan trọng trên cây con. Triệu chứng thể hiện trên lá bao gồm các vết hoại hình tròn, đường kính khoảng 1mm, có mép màu tối và viền màu vàng bên ngoài. Quả thể vô tính (pycnidia) có màu đen, kích thước bằng đầu kim ở giữa bết bệnh. Trên cây con, lá bệnh rụng làm cho đọt non trơ lá, bị cháy nắng và có thể chết ngược do sự tấn công của nấm Diplodia theobromae và C. gloeosporioides. Ngoài ra, nấm cũng có thể gây ra bệnh thối trái sau thu hoạch trên trái sầu riêng. Bệnh đốm lá Phomopsis chủ yếu xuất hiện ở điều kiện nóng ẩm, khi cây bị stress. Đối với cây con, trồng với mật độ dày trong vườn ươm và tưới quá nhiều nước là các yếu tố thuận lợi cho sự hình thành và phát tán của bệnh. Có thể dùng Mancozeb để kiểm soát hiện tượng rụng lá đối với cây trong vườn ươm.

Bệnh đốm hồng hay nấm hồng

Bệnh đốm hồng tấn công các chồi hóa gỗ và các nhánh nhỏ, gây ra tình trạng khô héo và chết lá. Bệnh đốm hồng gây ra bởi nấm Erythricium salmonicolor (giai đoạn vô tính: Necator decretus), tạo ra các sợi nấm màu trắng hồng bao phủ nhánh và chồi. Khi phần vỏ bị xâm nhiễm đã chết, sợi nấm trưởng thành và phát triển thành lớp vảy cứng màu hồng. Lớp vảy tạo nên các vết nứt không định hình khi thời tiết khô, sau đó lá trên cành bị bệnh cũng héo và chết. Bệnh phát tán bởi nước mưa và gió. Nấm có dãy ký chủ rộng bao gồm nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và cây ăn trái như khế, ổi, mít, xoài. Trồng với khoảng cách rộng và tỉa cành thông thoáng là rất cần thiết để hạn chế sự tấn công của bệnh. Cành, nhánh bị nhiễm bệnh phải được cắt bỏ và tiêu hủy. Các vết cắt phải được phết thuốc trừ nấm. Một số loại thuốc có thể dùng để phun hoặc quét lên vết bệnh như: triadimefon, tridemorph, oxycarboxin, flusilazol và thuốc gốc đồng.

(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *