Để khắc phục hiện tượng sượng trên sầu riêng cần kết hợp nhiều biện pháp. Trước tiên là kích thích cây ra hoa tập trung đồng loạt để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa với sự phát triển của trái và sự cạnh tranh giữa trái nhỏ với trái lớn. Sau đó là hạn chế ra đọt non trong giai đoạn trái phát triển, đây là biện pháp quan trọng nhất. Bên cạnh đó nên phun các loại phân bón lá có chứa các chất hữu cơ để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho trái phát triển, phun Kali ở nồng độ 1% một tháng trước khi trái trưởng thành.
Để hạn chế đọt non, phun phân MKP 0.5 – 1.0% hoặc Nitrate Kali (KNO3) 1.5%, phun đều hai mặt lá. Không bón thừa phân, đặc biệt là phân Urea, trong giai đoạn trái phát triển sẽ làm cơm trái rất ngon khi chín. Ngoài ra nên thường xuyên giữ mực nước trong vườn ở độ sâu 60 – 80cm từ mặt liếp sau khi đậu trái.
Áp dụng biện pháp phủ liếp trước khi thu hoạch để ngăn cản không cho nước xâm nhập vào vùng rễ làm cho tỷ lệ sượng cơm trái và hạt có nước chỉ còn 8.0% và 4.2%. Rút cạn nước trong mương vườn một tháng trước thu hoạch xong cũng góp phần khắc phục hiện tượng sầu riêng sượng. Sầu riêng sau đậu trái ở giai đoạn 1, 6, 8 và 10 tuần tuổi phun KNO3 ở nồng độ 40 g/L sẽ cải thiện được màu vàng của cơm trái.
Để khắc phục hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng Monthong, khuyến cáo phun qua lá KNO3 + Ca3(PO4)2 với liều lượng 16g/lít giai đoạn 8, 9 và 10 tuần sau khi hoa nở tiếp theo phun đơn thuần Ca3(PO4)2 với nồng độ 120g/8 lít nước/cây ở giai đoạn tuần 11, 12, 13 sau khi hoa nở và bón thêm phân KNO3 liều lượng 1 kg/cây giai đoạn 1 tháng trước thu hoạch có hiệu quả hạn chế hiện tượng sượng cơm.
Tóm lại, hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng khác nhau tùy giống nên biện pháp khắc phục cũng khác nhau. Đối với giống Sữa hạt lép, hiện tượng sượng chủ yếu là cơm mềm hay nhão nên biện pháp khắc phục chủ yếu là phủ gốc kết hợp với rút nước trong mương cho khô nhằm làm giảm độ ẩm đất giai đoạn 25 ngày trước khi thu hoạch. Đối với giống sầu riêng Ri 6 hiện tượng sượng cơm chủ yếu là cháy múi và nhão cơm khi có mưa nhiều. Biện pháp khắc phục là phun phân Canxi Bo giai đoạn sau khi đậu trái và giai đoạn cơm phát triển. Đối với giống sầu riêng Monthong, hiện tượng sượng bao gồm cứng cơm, có hay không có mất màu, chín không đồng đều và cơm bị mềm. Khắc phục bằng cách phun các chất Canxi, Mg nồng độ 0.2% qua lá giai đoạn hai tháng sau khi đậu trái và sau đó 15 ngày. Một tháng trước khi thu hoạch phun KNO3 1%, phủ gốc 15 – 20 ngày trước khi thu hoạch. Sau khi thu hoạch nhúng Ethephon nồng độ 0.1 – 0.2% giúp cho trái chín tập trung.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)