Điều tra kỹ thuật canh tác sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết ba loại côn trùng quan trọng mà nhà vườn quan tâm phòng trừ là rầy nhẩy, sâu đục trái và xén tóc đục thân. Rệp sáp là côn trùng thường xuyên xuất hiện, gây hại lá và trái sầu riêng nhưng mức độ không nghiêm trọng. Bọ rĩ cũng là côn trùng gây hại đọt non vào những tháng giao mùa đặc biệt ở miền ĐNB. Đặc biệt vào những năm 2010, mọt đục cành gây hại sầu riêng khá nghiêm trọng ở huyện Cai Lậy.
Rầy nhẩy (Allocarsidava malayensis Crawford)
Rầy nhẩy hiện diện rất phổ biến trên các vườn trồng sầu riêng ở Thái Lan, Việt Nam và đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. Cả thành trùng và ấu trùng rầy nhẩy gây hại bằng cách chích hút nhựa lá non chưa mở. Những lá bị hại thường có những chấm nhỏ màu vàng, sau đó lá bị rụng đi hàng loạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển ra bông và ra trái của cây, rầy còn tiết mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến sự quang hợp của lá. Ấu trùng tuổi 2 của rầy nhẩy có lớp lông tơ ở cuối bụng và bắt đầu phủ một lớp sáp màu trắng, đến tuổi 3, 4, 5 các sợi sáp ở đuôi rất dài. Từ tuổi 2 – 5 ấu trùng di chuyển rất nhanh khi bị động. Thành trùng thường tập trung ở mặt dưới lá non. Tỷ lệ gây hại trên vườn thường là 100% và mức độ gây hại nặng nhất có thể lên đến 50%. Thử thuốc trong điều kiện ngoài đồng, nhiều nghiên cứu khảo sát kết luận thuốc Clothianidin nồng độ 0.035 g a.i./lít có hiệu quả trên diện rộng. Sử dụng bẫy màu vàng để hấp dẫn con trưởng thành khi cây ra đọt non, phun nước mạnh lên lá để rửa trôi ấu trùng và thành trùng, sử dụng thuốc trừ sâu khi có > 50% chồi bị nhiễm rầy hay >20% chồi có trứng rầy. Ngoài ra, nhện, bọ rùa, ong ký sinh cũng là thiên địch của rầy nhẩy, do đó, cần tạo điều kiện để các thiên địch này khống chế sự phát triển của rầy nhẩy trong tự nhiên.

Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood)
Bọ trĩ là côn trùng gây hại ít phổ biến trên cây sầu riêng, được phát triển nhiều ở miền ĐNB. Bọ trĩ gây hại chủ yếu trên lá non. Cả ấu trùng và thành trùng đến gây hại. Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, khó phát hiện bằng mắt thường. Bọ trĩ không ưa ánh sáng, thường ẩn núp trong lá non, bò ra ngoài khi trời mát. Bọ trĩ chích hút nhựa làm cho lá chậm phát triển quăn queo.
Phòng trừ bằng cách tưới lên tán cây để làm giảm một số bọ trĩ. Phun thuốc phòng trừ khi có 2 – 3 con bọ trĩ/phát hoa hay > 5% bị thiệt hại, phun 2 lần liên tiếp cách nhau 7 ngày. Có
thể kết hợp với dầu khoáng để trừ bọ trĩ.

Rệp sáp
Sầu riêng ở ĐBSCL có ít nhất hai loài rệp sáp gây hại, một loài tấn công trái (Planococus sp.) và một loài gây hại trên lá (Pseudococcus sp.). Tuy nhiên, loài Planococcus lilacinus hiện diện rất phổ biến trên trái và loài Crypticerya jacopsomi gây hại chủ yếu trên cành và lá. Điều tra rệp sáp trên cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, ghi nhận rếp sáp P. lilacinus xuất hiện ở mức thường xuyên (6 – 25% số cây trong vườn điều tra), gây hại trái non và trái sầu riêng đang phát triển ở Philippines.
Rệp sáp gây hại trái có phổ ký chủ rất rộng, gây hại trên 65 giống thuộc 35 họ thực vật. Ở ĐBSCL rệp sáp Planococcus lilacinus ký sinh trên nhiều loại cây ăn trái như táo ta, chôm chôm, mãng cầu xiêm, ổi và nhiều loại cây ăn trái khác. Rệp sáp chủ yếu gây hại khi trái còn non, bám vào cuống trái non các rãnh giữa các gai để hút dịch vỏ trái. Mật số rệp cao sẽ làm trái bị biến dạng và rụng. Mật ngọt do rệp sáp tiết ra còn làm cho bồ hóng phát triển làm đen vỏ trái. Rệp P. lilacinus gây hại suốt năm nhưng gây hại nặng trong mùa nắng từ tháng 2 – 4.

Phòng trừ bằng cách cắt tỉa cành, vệ sinh vườn, loại bỏ rệp sáp khỏi vườn. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết để bảo vệ thiên địch. Khi mật số cao có thể sử dụng dầu khoáng kết hợp với thuốc đặc trị rệp sáp. Rệp sáp gây hại lá thường có mật số thấp hơn rệp sáp hại trái. Phòng trừ tương tự như rệp sáp hại trái.
Mọt đục cành
Có tất cả 5 loài mọt gây hại tại huyện Cai Lậy, trong đó 2 loài gây hại phổ biến nhất là Xyleborus similis và Xyleborus fornicates. Con cái đục vào nhánh và đảo đường hầm, lỗ đục có đường kính khoảng 2mm. Mọt đục trực tiếp vào trong gỗ, hướng đục song song hoặc vuông góc với tầng phát sinh gỗ. Thường đường đục có thể đơn hoặc phân nhánh nhưng sự sống và sinh ra của tầng sinh gỗ vẫn không bị ảnh hưởng và nhánh tiếp tục phát triển bình thường. Bên cạnh đó, số cây bị mọt gây hại trên thân có tương quan rất chặt với số cây bị bệnh xì mủ thân. Trong điều kiện rừng tự nhiên ở Mã Lai, chúng tấn công cành, nhánh nhỏ đường kính dưới 15cm của cây không khỏe hoặc cây vừa mới cắt. Chúng cũng gây hại trên cây non được một vài tuần sau khi ghép, trên các nhánh cắt yếu ớt và nhánh gần chết hơn là trên cây khỏe. Kết quả thử nghiệm cho thấy Danitol-S 50EC và Vitashield Gold 600EC có hiệu quả trừ mọt (X. similis) tốt với tỷ lệ mọt chết trên 80% tại thời điểm 5 ngày sau khi phun thuốc ở ngoài đồng.

Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis Guen.)
Sâu đục trái là đối tượng gây hại khá quan trọng làm giảm năng suất và phẩm chất trái sầu riêng. Thành trùng thường đẻ trứng trên vỏ trái non. Sâu mới nở thường chọn phần gần cuống đẻ đục vào bên trong trái. Tuy nhiên, sâu ít gây hại trên múi và hạt mà chủ yếu ăn phần vỏ trái phân được thải ra bên ngoài, nơi bị hại thường bị thối. Trái bị sâu đục khi còn nhỏ sẽ bị biến dạng hay rụng, trái bị đục ở giai đoạn phát triển sẽ làm mất giá trị thương phẩm có khoảng 9.29% số cây trong vườn và 7.1% số trái/vườn bị nhiễm sâu đục trái. Sâu gây hại chủ yếu ở giai đoạn sau khi đậu trái đến trái khi 2 tháng tuổi. Phòng trừ bằng cách phun các loại thuốc nhóm vi sinh như Spinosad, Biobit hay có thuốc có nguồn gốc hóa học thuộc nhóm Pyrethroid đều có hiệu quả phòng ngừa sâu đục trái sầu riêng. Phun Karate, Sumi-alpha 5EC và Success 25SC đều có hiệu quả phòng trị sâu đục trái và biện pháp bao trái bằng giấy trắng giai đoạn 21 ngày sau khi đậu trái có hiệu quả ngăn cản hoàn toàn sự gây hại của sâu đục trái.

Xén tóc đục thân (Batocera rufomaculata De Geer)
Xén tóc đục thân (Batocera thysbe Thomson) trên cây sầu riêng còn là ký chủ gây hại trên cây xoài, mít, táo, sung. Thành trùng đẻ trứng dưới vỏ cây, ấu trùng nở ra sẽ ăn phần mô libe, sau đó di chuyển vào mô gỗ để hóa nhộng. Ấu trùng tạo thành đường đục rất lớn, thải phân và nhựa ra ngoài và rơi xuống đất. Cây sầu riêng bị xén tóc gây hại sẽ phát triển kém, nếu gây hại nặng có thể làm cho cây khô và chết. Triệu chứng gây hại của xén tóc trên cây sầu riêng tương tự như trên cây xoài. Xén tóc gây hại sầu riêng ở Việt Nam, Thái Lan và hầu hết các nước ở Đông Nam Á.

Phòng trị bằng cách vệ sinh vườn, tiêu hủy thân cành bị hại để tiêu diệt trứng và ấu trùng. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện kịp thời để phát hiện sự gây hại của xén tóc khi thấy phân hay nhựa chảy ra ngoài để có biện pháp phòng trị kịp thời. Diệt ấu trùng bằng cách dùng dao cạo sạch đường hầm do ấu trùng ăn để diệt sâu.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)