Hạn chế sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển trái
- Phun phân MKP (0 – 52 – 34) ở nồng độ 0.5 – 1.0% hoặc nitrate Kali (KNO3) ở nồng độ 1.0 – 1.5% hoặc phun paclobutrazol ở nồng độ 250 – 500 ppm. Phun đều lên hai mặt lá, 7 – 10 ngày/lần trong giai đoạn từ 3 – 12 tuần sau khi đậu trái
- Bón phân cân đối: Không nên bón thừa trong giai đoạn phát triển trái, đặc biệt là phân urê. Cây sầu riêng cần nhiều Kali, đặc biệt là giai đoạn trái phát triển, sẽ làm cho cơm trái ngon.
- Sau khi đậu trái nên phun các loại phân bón lá có chứa các chất hữu cơ để bổ sung nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trái phát triển. Phun Kali ở nồng độ 1% một tháng trước khi thu hoạch.
- Nên kích thích cho cây sầu riêng ra hoa tập trung và đồng loạt để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa với sự phát triển trái và sự cạnh tranh giữa trái non và trái lớn. Cây ra hoa tập trung với tỷ lệ cao sẽ ít bị ra đọt trong quá trình phát triển trái vì quá trình sinh sản chiếm ưu thế trên cây đã hạn chế quá trình sinh trưởng của cây. Nên cắt bỏ toàn bộ hoa hoặc trái non ra đọt hai nếu tỷ lệ ra hoa hoặc đậu trái thấp hay số trái ở đợt đầu vừa với khả năng mang trái của cây…
Quản lý nước giúp hạn chế hiện tượng sượng cơm trên trái sầu riêng
Giữ mực nước trong mương trong vườn thường xuyên ở độ sâu 60 – 80cm từ mặt liếp sau khi đậu trái nhằm không làm gia tăng độ ẩm đất, tránh cho cây sầu riêng hấp thụ nước quá nhiều đặc biệt là giai đoạn trái trưởng thành. Do đó phải thường xuyên bơm nước ra khỏi vườn nhất là sau các trận mưa lớn để không làm tăng mực nước trong mương và thủy cấp trong liếp. Ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, có 17% nhà vườn ngưng tưới nước trước khi thu hoạch và 29% hộ phủ gốc giai đoạn 25 – 40 ngày trước khi thu hoạch. Ở các quốc gia như Philippines, Loquias và Pascua áp dụng biện pháp phủ plastic xung quanh gốc sầu riêng ở giai đoạn một tháng trước khi thu hoạch để ngăn cản không cho nước mưa xâm nhập vào vùng rễ đã làm cho tỷ lệ sượng cơm trái và múi có nước chỉ còn 8.0% và 4.2%. Để khắc phục hiện tượng hạt có nước và nhão cơm nên rút cạn nước trong mương hoặc ngưng thu hoạch hai ngày sau khi có mưa lớn.
Quản lý nước giai đoạn trước khi thu hoạch bằng cách xiết nước trong mương cho khô kết hợp với biện pháp phủ gốc, nhận thấy phủ gốc giai đoạn 20 – 30 ngày trước khi thu hoạch cho kết quả khác nhau giữa hai giống sầu riêng Sữa hạt lép và Monthong. Trên giống Monthong, phủ gốc 20 ngày trước khi thu hoạch đã làm giảm ẩm độ gần 50% ở độ sâu 20cm và gần 30% ở độ sâu 40cm. Phủ gốc 20 ngày trước khi thu hoạch còn làm tăng hàm lượng Kali trong lá gần 80%. Phủ gốc 25 ngày trước khi thu hoạch có hiệu quả làm giảm tỷ lệ trái bị sượng mặc dù tỷ lệ sượng vẫn còn khá cao (50%) nhưng có tác dụng làm cho cơm ráo (giảm hàm lượng nước trong cơm gần 5% so với đối chứng), ngọt hơn (TSS tăng 1.4%) và có màu vàng sậm. Trên giống sầu riêng Sữa hạt lép, phủ gốc 25 ngày trước khi thu hoạch làm cho cơm ráo hơn, tăng TSS gần 20%, giảm hàm lượng Mg trong lá, giảm ẩm độ cơm hơn 10% và giảm hoàn toàn hiện tượng cơm nhão và cháy múi. Như vậy, có thể thấy rằng biện pháp phủ gốc hay xiết nước trước khi thu hoạch chủ yếu có hiệu quả làm giảm độ ẩm đất từ đó giảm sự hấp thu nước của cây nên giảm hiện tượng nhão cơm trái hơn là có hiệu quả đến các hiện tượng sượng cơm khác như cứng cơm hay mất màu.
Quản lý dinh dưỡng khắc phục hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng
Vai trò của phân bón đối với hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng rất được quan tâm ở Cai Lậy, Tiền Giang. Cho biết 63% nhà vườn có bón Kali cho sầu riêng và vì lo sợ việc bón phân làm sượng trái nên 81% số hộ đã ngừng bón phân giai đoạn 20 – 30 ngày trước khi thu hoạch. Nghiên cứu biện pháp khắc phục hiện tượng sượng cơm trên giống sầu riêng Monthong, khuyến cáo phun Ca3(PO4)2 với liều lượng 120g/8 lít có thể làm giảm bớt tỷ lệ sượng trái. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao hơn, nhiều nghiên cứu cũng khuyến cáo nên kết hợp bón Nitrate Kali với liều lượng 1kg/cây 7 năm tuổi ở giai đoạn một tháng trước khi thu hoạch và phun KNO3 kết hợp với Ca(NO3)2 và Ca3(PO4)2 vào tuần thứ 8, 9 và 10 sau khi đậu trái với liều lượng 16g KNO3 + 16 g Ca(NO3)2/8 lít. Phun phân qua lá kết hợp giữa Canxi Nitrate (0.2%) ở giai đoạn 2 tháng sau khi đậu trái, 15 ngày sau phun Mg Sulphate (0.2%) và Nitrate Kali (1%) giai đoạn một tháng trước khi thu hoạch có hiệu quả làm giảm tỷ lệ cơm sượng ở mức 3 – 6% nhưng tỷ lệ múi và trái có hiện tượng sượng còn ở mức hơi cao. Tuy nhiên, trên giống sầu riêng Sữa hạt lép, biện pháp này chỉ làm tăng TSS nhưng không có hiệu quả làm giảm hiện tượng sượng cơm chủ yếu của giống này là nhão cơm và cháy múi.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)