Sự đậu trái là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại cây ăn trái nói chung, nhưng trên sầu riêng do hoa có hiện tượng lệch phase giữa bộ phận đực và cái và có hiện tượng tự bất tương hợp hoàn toàn (totally self – incompatibility), một phần (partially self – incompatibility) hoặc có nhu cầu thụ phấn chéo nên áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho sầu riêng là kỹ thuật quan trọng trong quy trình xử lý ra hoa sầu riêng. Sự đậu trái không những ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trái sầu riêng. Trái sầu riêng có giá trị thương phẩm khi không bị méo, phát triển đầy đủ các hộc nên cải thiện sự đậu trái không những có ý nghĩa làm tăng năng suất mà còn làm tăng chất lượng và giá trị thương phẩm trái sầu riêng.
Kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho hoa sầu riêng
Sự đậu trái ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng giá trị trái sầu riêng. Đậu trái và phát triển trái kém là những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến canh tác sầu riêng. Đậu trái kém dẫn đến hạt và cơm phát triển kém và trái bị dị dạng. Do đó, cải thiện sự đậu trái là kỹ thuật rất được quan tâm để cải thiện năng suất và chất lượng trái sầu riêng. Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật tăng sự đậu trái còn giúp cho nhà vườn quyết định vị trí trái đậu trên cây, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.
Thụ phấn bổ sung làm tăng số trái trên cành và chất lượng trái. Cả hình dạng trái và kích thước trái đều được cải thiện bởi thụ phấn chéo. Ở Thái lan, thụ phấn bổ sung thực hiện trên hai giống sầu riêng ‘’Chanee’’ và ‘’Kanyao’’ làm tăng tỷ lệ đậu trái từ 0 – 6% lên 30 – 64% và từ 21% lên 87 – 90%, theo thứ tự. Tự thụ phấn là nguyên nhân chính của tỷ lệ đậu trái thấp đối với giống sầu riêng Monthong (7.7%), Chanee (3.6%) và ‘’Puang Manee (0%). Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn phấn của giống ‘’Kradumthong’’, tỷ lệ đậu trái đã được cải thiện rõ rệt, Monthong (27.2%) và Chanee (16.3%). Do đó, hạt phấn của giống Kradumthong đã được khuyến cáo sử dụng ở Thái Lan khi thụ phấn bổ sung. Tuy nhiên, khi thụ phấn chéo bổ sung, cây mẹ sẽ ảnh hưởng đến màu cơm trái, mùi hương, hình dạng và độ dài gai trong khi hạt phấn sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng trái, kích cỡ trái (chiều dài), trọng lượng vỏ, tỷ lệ cơm trái, vị ngọt (Brix), số lượng hạt và trọng lượng hạt.
Thực hiện thụ phấn bổ sung cho sầu riêng Sữa hạt lép với nhiều nguồn phấn khác nhau cho biết tỷ lệ đậu trái đã tăng lên gấp 1.5 lần so với đối chứng không thụ phấn bổ sung. Ngoài ra, số trái còn lại sau khi đậu trái ở mức tương đối cao trọng lượng trung bình trái cũng tăng lên. So với tự thụ phấn, thụ phấn bổ sung với hạt phấn từ các giống khác cũng làm tăng tỷ lệ phần ăn được và tỷ lệ trái có hình dạng cân đối của giống Sữa hạt lép, tỷ lệ đậu trái sầu riêng Cơm vàng sữa hạt lép được thụ phấn bổ sung tăng từ 13.3% lên từ 60 – 90%, tỷ lệ trái cân đối tăng từ 0% lên 50 – 93% và giống cho phấn thích hợp là Monthong. Kết quả này cho thấy rằng giống sầu riêng Cơm vàng Sữa hạt lép có thể có hiện tượng tự bất tương hợp một phần (partially self – incompatible) hay cần sự thụ phấn chéo.
Tóm lại, do có thể có hiện tượng tự bất tương hợp (self – incompatibility), sự tự thụ phấn sẽ làm giảm năng suất và phẩm chất nhiều, làm giảm năng suất. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho sầu riêng thụ phấn chéo bằng cách áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung bằng tay để tăng tỷ lệ đậu trái, giảm sự rụng trái non và tăng phẩm chất trái. Ngoài ra, trồng nhiều giống trong cùng một vườn cũng rất cần thiết để cải thiện sự đậu trái. Không nên trồng chỉ một giống vì hầu hết các giống sầu riêng đều có hiện tượng tự bất tương hợp, tự bất thụ, hay cần thụ phấn chéo. Do đó, trồng nhiều giống khác sẽ tăng đậu trái, tăng năng suất và chất lượng. Ngoài ra, trồng nhiều giống có thời gian thu hoạch khác nhau, giúp kéo dài thời gian thu hoạch.
Ở Việt Nam, hiện tượng tự bất tương hợp trên các giống sầu riêng chưa được nghiên cứu nhiều. Các giống sầu riêng của địa phương như Khổ qua xanh, Chuồng bò hạt lép, sáu Hữu hầu như đậu trái tốt mà không cần thụ phấn bổ sung. Giống Cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa đậu trái tốt, tỷ lệ trái tròn cao khi được thụ phấn bổ sung. Giống Ri 6 cũng cần phải thụ phấn bổ sung thì tỷ lệ đậu trái mới cao và trái mới cân đối. Đối với giống sầu riêng Monthong, kết quả ở Thái Lan cho thấy rằng có thể không cần thụ phấn chéo nhưng muốn có tỷ lệ đậu trái cao và hạn chế hiện tượng rụng trái non cần phải thụ phấn bổ sung bằng tay.
Hóa chất tác động lên quá trình đậu trái của cây sầu riêng
Bốn chất dinh dưỡng, bao gồm Canxi (Ca), Boron (B), Magie (Mg) và Kali (K) là các chất dinh dưỡng chính ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt phấn và sự phát triển của ống phấn. Sự nảy mầm của hạt phấn đòi hỏi Ca ở nồng độ 50 – 90 ppm, B ở nồng độ 30 – 60 ppm, Mg ở nồng độ 15 – 30 ppm và K ở nồng độ 15 – 30 ppm. Do đó, ở Thái Lan nông dân thường phun Canxi và Boron lên sự nảy mầm và chiều dài ống phấn của sầu riêng Sữa hạt lép, Monthong và Khổ qua xanh, nhận thấy phun chất boron dạng acid boric nồng độ 100 ppm có hiệu quả làm tăng tỷ lệ nảy mầm hạt phấn và chiều dài ống phấn lên từ 2.8 – 4.8 lần và 4.0 – 8.9 lần theo thứ tự.
Tỷ lệ đậu trái đạt 87% khi phun NAA ở nồng độ từ 20 – 60 ppm một lần trước khi ra hoa nở, khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng (70%) trên giống sầu riêng Sữa hạt lép. Tuy nhiên, do sầu riêng Khổ qua xanh có tỷ lệ đậu trái tự nhiên rất cao (95.7%) nên các khảo sát xử lý NAA khác biệt không có ý nghĩa.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)
- VAI TRÒ CỦA MYCORRHIZA ARBUSCULAR TRONG MÔI TRƯỜNG VÀ NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
- HỆ VI SINH VẬT Ở VÙNG ĐẤT QUANH RỄ VÀ CHẤT DỊCH TIẾT TỪ RỄ
- THỰC HÀNH: SẢN XUẤT PHÂN BÓN VI SINH TỪ CHUỐI THẢI BỎ (PHẦN 2)
- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY HOA CÚC CHI TIẾT (PHẦN 1)
- PHÂN TÍCH CHI TIẾT SỰ PHÂN BỐ SẦU RIÊNG TẠI CÁC TỈNH THÀNH VIỆT NAM