HIỆN TƯỢNG SƯỢNG CƠM TRÁI SẦU RIÊNG VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Hiện tượng sượng cơm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng trái, quyết định giá trị kinh tế và sự phát triển của cây sầu riêng. Trái sầu riêng bị ‘’sượng’’ hầu như không có giá trị kinh tế vì người bán phải ‘’bao’’ trái không bị sượng, nếu cơm trái bị sượng sẽ trả lại cho người bán. Rất nhiều nhà vườn không dám bón phân hay tưới nước cho sầu riêng sau khi đậu trái vì sợ sầu riêng bị rụng trái hay bị sượng. Vào những năm đầu của thế kỷ 21, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng ở ĐBSCL phải đốn bỏ vườn sầu riêng Monthong vì không biết cách chăm sóc, giống sầu riêng này đạt năng suất cao nhưng cơm trái bị sượng, không ăn được. Hay như giống sầu riêng Ri 6 có một giai đoạn nhà vườn không thích trồng vì cơm trái có hiện tượng bị cháy múi. Do đó, hiểu được những yếu tố liên quan và áp dụng kỹ thuật khắc phục hiện tượng sượng cơm trái là kỹ thuật quan trọng trong quy trình xử lý ra hoa sầu riêng.

Tổng hợp các kiểu sượng trên cơm trái sầu riêng 

Ở nước ta, hiện tượng ‘’sượng’’ cơm trái sầu riêng được hiểu khá đơn giản là hiện tượng cơm bị cứng, không chín hay cơm bị mất màu nhưng trên thế giới sượng cơm được cho là hiện tượng rối loạn sinh lý và biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau. Phân biệt sầu riêng sượng thành ba dạng là:

(a) phần cơm chín không đều

(b) hạt có nước hay cơm nhão

(c) cơm có màu nâu ở hai đầu của hạt.

Hiện tượng chín không đều rất phổ biến trên trái sầu riêng. Hiện tượng chín không đều đặc trưng bởi việc phần cơm trái hình thành lớp da cứng trong trái chín. Phần cơm bị sượng sẽ không chín, có màu hơi trắng, không có vị và mùi thơm trong khi phần cơm không bị sượng vẫn chín bình thường. Phần cơm bị sượng trên mỗi múi đôi khi rất nhỏ nhưng có thể làm cho cả múi bị ảnh hưởng và không ăn được. Thông thường hiện tượng chín không đều chỉ xuất hiện một vài ngăn trong trái nếu không bị ‘’sượng’’ nặng thì tất cả các ngăn trong trái đều bị ‘’sượng’’. Hiện tượng cơm bị ‘’sượng’’ chỉ phát hiện được khi mở trái ra mà không có triệu chứng để có thể nhận biết trái bị ‘’sượng’’ trước đó. Hiện tượng cơm nhão cũng là một hiện tượng rối loạn sinh lý của cơm trái sầu riêng. Hiện tượng này làm cho phần cơm của trái trở nên rất nhão và mềm. Trường hợp bị nhẹ thì chỉ có phần cơm ở đầu tiếp giáp với hạt bị ảnh hưởng nhưng nếu bị nặng thì toàn bộ phần cơm sẽ bị mềm và nhão.

Điều tra hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, nhận thấy ngoại trừ hai giống sầu riêng Chuồng xẻo và Tứ quý có diện tích rất ít nên hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng không được ghi nhận rõ nhưng các giống trồng phổ biến tại địa phương cho thấy tỷ lệ sượng và hiện tượng sượng khác nhau tùy thuộc vào từng giống. Sầu riêng Monthong có tỷ lệ sượng cao nhất (88%) với hiện tượng sượng chủ yếu là cứng cơm (91%), tiếp theo là Khổ qua xanh với hiện tượng sượng chủ yếu là nhão cơm (66.7%) và cứng cơm, mất màu (22.2%), sầu riêng Ri 6 với hiện tượng sượng 100% là cháy múi, sầu riêng Sữa hạt lép với 50% cứng cơm và 50% nhão cơm. Điều tra hiện tượng sượng trên sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết chỉ có 21% nhà vườn cho rằng có bị sượng, trong đó Monthong là giống bị nặng nhất.

Hiện tượng sượng trái trên giống sầu riêng Monthong

Sầu riêng Monthong được xem là giống có tỷ lệ sượng cao nhất trong các giống được điều tra tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Hiện tượng sượng cơm chủ yếu là cứng cơm, mất màu. Các kiểu sượng cơm trái sầu riêng Monthong được ghi nhận như sau:

– Cơm cứng nhưng màu sắc không đổi: Cơm trái có màu vàng đậm như cơm trái bình thường nhưng một phần bị cứng, đôi khi bên trong có màu trắng.

– Cơm cứng, có màu nhạt hay không đều: Cơm trái có dạng màu vàng, trắng lẫn lộn ‘’da lợn’’, phần cơm màu trắng cứng hơn so với màu vang.

– Cơm nhão: Một phần cơm hoặc cả trái rất mềm (dính tay), có màu vàng nhạt, xuất hiện nhiều lúc mưa dầm.

Hiện tượng sượng trái trên giống sầu riêng Sữa hạt lép (Chín Hóa)

Trên giống sầu riêng Sữa hạt lép được nhà vườn quan tâm nhiều nhất là hiện tượng nhão cơm. Cơm mềm, bị dính khi cầm bằng tay. Hiện tượng nhão cơm thường xuất hiện trong mùa mưa sau những đợt mưa lớn. Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu biện pháp khắc phục hiện tượng sượng cơm trái, nhận thấy giống sầu riêng này có hiện tượng cháy vách múi, cơm bị cứng, có màu trắng hay phần cơm của múi phát triển không hoàn toàn nhưng với tỷ lệ rất thấp.

Hiện tượng sượng trái trên giống sầu riêng Ri 6 

Hiện tượng sượng cơm chủ yếu trên giống này được nông dân ghi nhận là hiện tượng cháy múi. Phần thịt múi có màu nâu hay nâu đậm giống như ‘’cháy’’. Hiện tượng này giống như sự mô tả của nhiều tác giả trên thế giới. Tuy nhiên, giống sầu riêng Ri 6 cũng xuất hiện hiện tượng nhão cơm như các giống sầu riêng khác ở địa phương.

Hiện tượng sượng trái trên giống sầu riêng Khổ qua xanh

Sầu riêng Khổ qua xanh là giống có hiện tượng sượng cơm đứng thứ nhì sau giống Monthong. Hiện tượng nhão cơm xuất hiện chủ yếu trong mùa mưa như các giống khác, tuy nhiên nếu thu hoạch vào những lúc mưa dầm, cơm trái sầu riêng Khổ qua xanh hầu như bị rã hoàn toàn, không ăn được. Hiện tượng cứng cơm, mất màu, hay cháy vách múi cũng có xuất hiện nhưng với tỷ lệ thấp.

(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *