Đối với cây hoa cúc công việc chăm sóc cần chú ý đúng mức vì không những đảm bảo cho sinh trưởng, phát triển của cây được cân đối mà còn làm tăng chất lượng hoa. Công việc chăm sóc bao gồm:
Tưới nước cho hoa cúc
Do đặc điểm cây cúc có khả năng chịu hạn hơn chịu úng, nên phải trồng cúc ở những nơi cao thoát nước, tránh nơi trũng thấp và ứ nước. Việt tưới nước cũng chỉ cần vừa phải để giữ ẩm cho cây, không nên tưới nhiều vì sẽ làm cho cây phát triển cành lá, hoa bé và xấu. Ngoài ra tưới nhiều làm cho đất mùn dễ bị rửa trôi, hoặc thấm sâu xuống các tầng đất xa rễ hoặc khi tưới nhiều nước thoát không kịp làm cho cây bị bệnh vàng lá, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và ra hoa của cây. Thông thường việc tưới nước thường kết hợp với bón phân. Có 2 cách tưới cho cúc:
- Tưới rãnh: Cho nước vào các rãnh luống, ngâm từ 1 – 2 giờ để nước ngấm dần vào bề mặt luống, sau đó rút nước ra, chú ý chỉ để cho nước ngập ⅔ rãnh không cho ngập đến bề mặt luống. Cách tưới này đất được giữ ẩm từ 7 – 10 ngày.
- Tưới mặt: Dùng vòi hoa sen tưới nhẹ lên bề mặt luống vừa đủ lượng nước bão hòa trong đất. Nếu tưới thừa, nước sẽ chảy ra ngoài rãnh làm rửa trôi phân bón. Cách tưới này dễ làm cho bề mặt luống bị đóng váng, mức độ giữ ẩm ít hơn nên cần phải tưới nhiều lần hơn.
Bấm ngọn cho hoa cúc
Việc bấm ngọn hay không thường căn cứ vào mục đích, ý thích của người trồng và người chơi hoa. Nếu muốn cây cúc có hoa to, không bấm ngọn mà chỉ tỉa bỏ hết các cành nhánh phụ mọc từ nách lá và chỉ để một nụ chính trên thân (hoặc thêm 1 nụ phụ) đề phòng khi nụ chính bị gãy hoặc hỏng. Tất cả các nụ còn lại đều phải được loại bỏ hết. Việc không bấm ngọn hoa chỉ để 1 bông trên thân thường chỉ áp dụng đối với những giống hoa to, thân mập cứng thẳng khỏe, bộ lá gọn, như giống cúc CN97, CN01, vàng Đài Loan, tím sen… Còn đối với các giống cúc chùm, nếu muốn có hoa nhiều phải bấm ngọn cho cây, tức là ngắt từ 1 – 2 đốt trên ngọn của thân chính. Việc bấm ngọn ngoài tác dụng làm cho cây phát triển nhiều cành nhánh để có nhiều nụ, nhiều hoa còn phương pháp tạo dáng, tạo thế cho cây.
Tỉa cành, bấm nụ cho hoa cúc
Trong quá trình sinh trưởng các cành nhánh cúc phát sinh rất nhiều ở nách lá và các mầm chồi mọc nhiều ở gốc cây. Sau khi bấm ngọn và định các cành trên cây ta cần phải bấm, tỉa bỏ hết các cành và nụ ra sau để khỏi ảnh hưởng đến sức cây, tập trung chất dinh dưỡng để nuôi cành nhánh chính và cũng là để tạo tán cho cây. Đặc biệt đối với những giống hoa nhỏ (nhiều bông/cây) trên 1 cành nên vặt bỏ nụ trung tâm, tạo điều kiện cho các nụ xung quanh phát triển đều nhau.
Vun xới, làm cọc dàn
Trong quá trình trồng thường phải tiến hành xới đất, vun gốc kết hợp với làm cỏ. Việc xới xáo xung quanh gốc chỉ làm khi cây cúc còn nhỏ nghĩa là sau khi bấm ngọn lần 1, còn khi cây đã lớn (sau trồng 4 – 5 tuần), lúc này cây đã phân cành nhánh mạnh, nên hạn chế việc xới đất vì cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, phát triển nhiều rễ phụ. Nếu xới xáo sâu và nhiều sẽ làm đứt rễ ảnh hưởng đến việc hút chất dinh dưỡng của cây. lúc này chỉ nên nhổ cỏ, vun hoặc tỉa các lá già xung quanh gốc. Nhưng cũng không nên vun gốc quá cao vì sẽ làm phát sinh nhiều mắt rễ, khiến gốc xù xì, thân cây không đẹp ảnh hưởng đến chất lượng cành mang hoa.
Song song với việc vun xới, cần cắm cọc đỡ hoặc lưới đỡ cho cây khỏi đổ. Đối với những cây để hoa nhiều có đường kính tán rộng, tùy theo sinh trưởng của cây mà cắm từ 1 – 3 vè, rồi dùng dây mềm ràng buộc nhẹ xung quanh cả khóm để không làm gẫy cành, giập hoa. Có thể làm giàn lưới để đỡ hoa mọc thẳng, đều. Lưới có thể bằng thép nhỏ hay bằng dây nilon.
(Trích nguồn: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc – Tác giả:PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Lý, TS. Lê Đức Thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Linh)
Quý khách hàng quan tâm đến sản phẩm đạm hữu cơ Hươu Xanh có thể đặt mua ngay tại đây hoặc liên hệ hotline 0358782777 để được tư vấn về sản phẩm một cách chu đáo nhất!