Ở Mã Lai cũng như vùng ĐBSCL của Việt Nam, do có kiểu thời tiết nhiệt đới nóng ẩm nên có thể xử lý cho sầu riêng ra hoa bất kỳ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ đậu trái cao nên tránh xử lý ra hoa trong những tháng có mưa nhiều. Một trong các biện pháp được xử lý ra hoa sầu riêng là cắt bớt rễ, có thể làm cho sầu riêng ra hoa sớm trong năm đầu. Tuy nhiên, cây bị cắt rễ sinh trưởng kém, ít trái và có thể chết ở năm tiếp theo. Do đó, biện pháp này không khả thi trong thực tế sản xuất. Việc áp dụng các chế độ phân bón không có sự tương quan rõ ràng trong việc kích thích sầu riêng ra hoa. Về ảnh hưởng của hóa chất lên sự ra hoa của cây sầu riêng, cho biết Ethephon, Daminozide, hợp chất phenolic và NAA được xem là không có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của cây. Đối với Paclobutrazol, có thể xử lý cho sầu riêng ra hoa bằng cách phun lên lá hay tưới vào đất xử lý cho sầu riêng ra hoa bằng cách phun PBZ ở nồng độ từ 750 – 1500 ppm sau khi đợt lá non đã phát triển hoàn toàn. Để đạt được hiệu quả ra hoa cao, hiện nay, nông dân Tiền Giang xử lý cho sầu riêng ra hoa vụ nghịch bằng cách áp dụng kỹ thuật siết nước kết hợp với phủ gốc và phun hóa chất Paclobutrazol. Áp dụng riêng lẻ một biện pháp thường đạt kết quả không cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy phun PBZ 1.000 – 1.500 ppm kết hợp xiết nước và phủ gốc bằng plastic giúp cho giống Khổ qua xanh ra hoa sớm hơn 7 ngày so với không xử lý hóa chất. Đối với giống sầu riêng Sữa hạt lép, ở năm đầu khảo sát, thời gian từ khi phun PBZ, 1.00 – 1.500 ppm, đến khi xuất hiện mầm hoa ngắn hơn so với đối chứng không phun 22 ngày.
Tạo khô hạn bằng cách phủ gốc hay cả liếp kết hợp với siết nước
Biện pháp phủ liếp hay gốc để xử lý cho sầu riêng ra hoa tùy thuộc vào kiểu trồng. Ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nông dân trồng sầu riêng theo từng mô riêng biệt chứ không trồng theo liếp như ở các vùng khác nên khi kích thích ra hoa nông dân dùng nilon phủ kín gốc từng cây không cho nước mưa xâm nhập vào vùng rễ nên không làm tăng độ ẩm đất. Trong khi ở các vùng khác như ở tỉnh Bến Tre, nông dân áp dụng biện pháp phủ liếp dạng mái nhà để hơi nước có thể bốc thoát ra ngoài. Phủ nilon mặt liếp tốn chi phí cao và khó đi lại để chăm sóc cây sầu riêng trong thời gian kích thích ra hoa nhưng hiệu quả cao hơn nên vẫn được nông dân chấp nhận. Kinh nghiệm của nông dân ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhận thấy phủ gốc có cỏ sẽ có hiệu quả cao hơn làm sạch cỏ rồi mới phủ gốc. Điều này có thể trong điều kiện có cỏ sẽ giúp bốc thoát hơi nước tốt hơn, làm tăng hiệu quả khô hạn. Quan sát độ ẩm đất ở độ sâu 0 – 30cm trong thời gian tạo khô hạn cho thấy ở thời điểm ra hoa đầu tiên khi độ ẩm đất trong khoảng 30% và ra hoa đợt hai với tỷ lệ cao khi độ ẩm đất xướng nước 28,6% so với điểm héo của đất là 18,9%.
Các giống sầu riêng đòi hỏi thời gian khô hạn khác nhau để ra hoa. Trên giống sầu riêng Khổ qua xanh cây ra hoa sau khi phủ liếp và xiết nước trong mương khô kiệt khoảng 20 – 25 ngày. Đối với giống sầu riêng Ri 6 và Monthong thời gian khô hạn cần thiết để kích thích ra hoa từ 30 – 35 ngày nhưng cây không ra hoa tập trung mà thường ra hoa 2 – 3 đợt. Sự ra hoa thường xuất hiện trong hoặc gần cuối mùa khô khi sự sinh trưởng của cây đã giảm. Ở Thái Lan, nhiều nghiên cứu cho thấy thời gian khô hạn cần thiết để sầu riêng ra hoa tương đối ngắn hơn. Cho rằng thời gian khô hạn liên tục từ 7 – 14 ngày, tiềm thế năng của nước trong lá (leaf water potential) 0.8 MPa là cần thiết để thúc đẩy sự xuất hiện mầm hoa. Như vậy, trong điều kiện ở ĐBSCL sầu riêng đòi hỏi thời gian khô hạn dài hơn mới có thể ra hoa.Tóm lại, biện pháp phủ gốc cây hay mặt liếp kết hợp với ‘’xiết nước’’ trong mương khô kiệt có thể giúp cho sầu riêng ra hoa vụ nghịch nhưng hiệu quả cao hay thấp tùy thuộc vào từng giống, điều kiện thời tiết và sự quản lý nước trong mương. Thời gian khô hạn cần thiết để kích thích cho sầu riêng ra hoa từ 20 – 25 ngày đối với giống Khổ qua xanh và từ 30 – 35 ngày đối với các giống Monthong, Ri 6.
Xử lý Paclobutrazol (PBZ)
Xử lý PBZ để kích thích cho cây sầu riêng ra hoa vụ nghịch được nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mã Lai, cho rằng hiệu quả của PBZ chủ yếu là tác động lên quá trình hình thành hoa hơn là quá trình ra hoa. Nhiều nghiên cứu kết luận rằng xử lý PBZ nhằm thúc đẩy quá trình ra ho, làm tăng số hoa trên chùm. Ở Thái Lan, cho rằng xử lý PBZ giúp rút ngắn thời gian tạo khô hạn, chỉ cần 3 – 7 ngày khô hạn liên tục cũng đủ để kích thích ra hoa thay vì 10 – 14 ngày nếu không phun hóa chất.
Ở Việt Nam, xử lý ra hoa sầu riêng Khổ qua xanh bằng cách phun PBZ qua lá ở nồng độ 1.000 – 1.500 ppm kết hợp với biện pháp phủ liếp và siết nước trong mương cho khô kiệt, Tiến sĩ Trần Văn Hâu nhận thấy phun PBZ giúp cho cây ra hoa sớm hơn biện pháp phủ liếp 7 ngày, tỷ lệ ra hoa tập trung. Trong khi đó, trên giống sầu riêng Sữa hạt lép, phun PBZ giúp cho cây ra hoa sớm hơn từ 4 – 22 ngày nhưng ra hoa nhiều đợt kéo dài đến vụ thuận. Trong điều kiện ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận thấy phun PBZ ở nồng độ 1.000 – 1.500 ppm kết hợp với phủ liếp giúp cho sầu riêng Sữa hạt lép ra hoa sớm hơn 15 – 17 ngày.
Phun PBZ ở nồng độ 1.000 – 1.500 ppm còm làm tăng tỷ lệ ra hoa, số cành ra hoa trên cây. Trên giống sầu riêng Khổ qua xanh, tỷ lệ cành ra hoa/cây, số hoa/phát hoa tăng từ 1.5 – 2 lần, số chùm hoa/cây tăng gấp hai lần. Trên giống sầu riêng Sữa hạt lép, phun PBZ làm tăng số chùm hoa/cây và số cành hoa/cây cao hơn nhiều lần so với biện pháp phủ liếp. Biện pháp phun PBZ có tỷ lệ cành ra hoa nhiều, đồng đều trên cây sẽ giúp cho nhà vườn dễ tuyển hoa và trái. Mặc dù trên giống sầu riêng Sữa hạt lép, cây thường ra hoa thành hai hay nhiều đợt nhưng biện pháp phun PBZ giúp cây ra hoa vụ nghịch với tỷ lệ cao gấp bốn lần so với biện pháp phủ gốc. Như vậy, đối với giống sầu riêng Sữa hạt lép biện pháp phun PBZ tỏ ra rất có hiệu quả giúp cho cây ra hoa đồng đều trên cành và tỷ lệ ra hoa cao hơn trong vụ nghịch.
Xử lý PBZ làm tăng tỷ lệ ra hoa dẫn đến tăng năng suất. Trên giống sầu riêng Khổ qua xanh, phun PBZ làm tăng năng suất gấp 1.5 lần, trong khi trên giống sầu riêng Sữa hạt lép phun PBZ làm tăng năng suất nhiều lần so với biện pháp phủ gốc, đặc biệt năng suất thu được trong vụ nghịch. Xử lý ra hoa nghịch vụ bằng cách phun PBZ kết hợp với phủ liếp không làm ảnh hưởng lên phẩm chất trái sầu riêng Khổ qua xanh và Sữa hạt lép. Tóm lại, biện pháp xử lý PBZ đã giúp cây sầu riêng ra hoa sớm, đồng đều trên cây, tỷ lệ ra hoa cao nên đã làm tăng năng suất sầu riêng.
Để kéo dài thời vụ sầu riêng ở Thái Lan, đã áp dụng kỹ thuật phun PBZ nồng độ 1.000 – 1.500 ppm để xử lý cho cây ra hoa sớm và bón phân N: P2O5: K2O – 16 : 16: 16 kết hợp với tưới đẫm để ức chế cây ra hoa vụ thuận trong mùa khô. Sau đó khi lá trưởng thành sẽ phun PBZ nồng độ 1.000 ppm để kích thích cho cây ra hoa muộn. Qua áp dụng kỹ thuật này tác giả nhận thấy có thể kích thích cho cây sầu riêng ra hoa sớm hơn 9 – 36 ngày và thời vụ muộn hơn từ 28 – 43 ngày. Qua đó, kỹ thuật này có thể kéo dài thời vụ thu hoạch sầu riêng.Ngoài hóa chất Paclobutrazol được áp dụng khá phổ biến, hiệu quả Uniconazole lên sự ra hoa của sầu riêng Monthong. Thí nghiệm xử lý phun một lần Uniconazole nồng độ 2.500 ppm, tác giả nhận thấy ở nồng độ này có hiệu quả làm cho cây sầu riêng ra hoa sớm nhưng làm cho cuống trái bị ngắn và trái bị nhỏ. Trong khi đó so sánh giữa các nồng độ 100, 250 và 500 ppm. Nhận thấy ở các nồng độ này Uniconazole có hiệu quả kích thích ra hoa sớm, giảm số hạt bình thường do ống phấn không vươn tới noãn nhưng không ảnh hưởng đến trọng lượng và kích thước trái.
Đào hộc
Để đạt tỷ lệ ra hoa cao, hiện nay ở huyện cai Lậy tỉnh Tiền Giang, ngoài biện pháp phủ gốc kết hợp với phun PBZ, nông dân còn áp dụng thêm biện pháp đào hộc sâu 50 – 60cm xung quanh gốc cây sầu riêng. Việc đào hộc xung quanh tán cây làm đứt rễ để kích thích ra hoa. Việc đào hộc làm đứt rễ có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp các chất điều hòa sinh trưởng như gibberellin, cytokinin hay quá trình trao đổi chất đạm làm thúc đẩy sự ra hoa.
Tuy nhiên, đào hộc làm đứt rễ có thể tạo điều kiện để bệnh hại rễ phát triển. Biện pháp cắt đứt rễ được áp dụng trên cây táo nhằm kiểm soát sự sinh trưởng của cây. Hiệu quả kiểm soát sự sinh trưởng của biện pháp tỉa rễ thay đổi tùy theo thời điểm áp dụng. Thực hiện cắt rễ vào cuối thời kỳ miên trạng (tháng 3) hoặc thời kỳ hoa nở rộ cho hiệu quả làm giảm sự sinh trưởng của cây cao nhất, trong khi thực hiện cắt rễ vào tháng 7 hoặc trước khi thu hoạch (tháng 8) lại không làm giảm sự sinh trưởng của chồi. Ngoài ra, một vấn đề khác cần phải lưu tâm là độ sâu của hộc hoặc tỷ lệ rễ bị cắt. Cây giảm sinh trưởng khi cắt rễ ở độ sâu 25 hoặc 50cm.
Qua thực tiễn của nhà vườn ở Cai Lậy cho thấy vị trí đào hộc có ảnh hưởng đến sự ra hoa. Đào hộc bên rộng hơn tán cây sẽ không có hiệu quả so với đào bên trong tán. Do đó, kỹ thuật đào hộc như thế nào cho có hiệu quả và không ảnh hưởng lâu dài đến sự sinh trưởng và khả năng cho năng suất lâu dài của cây sầu riêng là vấn đề cần được nghiên cứu trong thời gian tới để xây dựng quy trình xử lý sầu riêng ra hoa được hoàn thiện hơn.
(Trích nguồn: Xử lý ra hoa sầu riêng – Tác giả: GS.TS Trần Văn Hâu)