Sầu riêng đã được trồng qua nhiều thế kỷ ở các ngôi làng ở vùng Đông Nam Á, có lẽ bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 18 và được trồng thương mại hóa từ giữa thế kỷ 20. Kể từ đó, sầu riêng được trồng thâm canh ở một số quốc gia như Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Indonesia và Philippines và một số nơi khác. Từ đầu thế kỷ 20, nhu cầu mua sầu riêng cả nội địa lẫn quốc tế ở khu vực Đông Nam Á đều gia tăng nhanh chóng, một phần do làn sóng phát triển kinh tế ở châu Á. Vấn đề thiếu nguồn cung sầu riêng dẫn đến mở rộng nhanh chóng diện tích sầu riêng ở các nước như Thái Lan, Mã Lai và Philippines, Việt Nam trong những năm gần đây.
Sầu riêng được trồng chủ yếu ở các quốc gia Đông Nam Á và ở Úc (phía bắc bang Queensland và Darwin thuộc vùng lãnh thổ phía Bắc). Sầu riêng có thể sinh trưởng tốt ở điều kiện nhiệt độ cao lên đến 46 độ C như ở một số vùng của Thái Lan. Tuy nhiên, sự sinh trưởng sẽ dừng lại ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn 22 độ C. Khi nhiệt độ thấp hơn 10 độ C, lá sẽ rụng. Do đó, sầu riêng có thể được trồng ở điều kiện nhiệt độ từ 10-46 độ C, lượng mưa không thấp hơn 1.600 mm/năm, ẩm độ từ 30%, trong khoảng vĩ độ từ 16 độ Bắc đến 17 độ Nam, độ cao dao động từ 0-910 m cách mặt nước biển. Điều kiện thời tiết, vị trí địa lý và loại đất ảnh hưởng đáng kể đến sự sinh trưởng của cây sầu riêng. Ở vùng Đông Nam Á, ngành trồng sầu riêng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Ở giữa hai đợt gió mùa có khoảng thời gian thời tiết khô hạn, cần thiết cho cây sầu riêng trưởng thành phát triển mầm hoa. Cây sầu riêng trưởng thành cần một đợt hạn ngắn trong khoảng 1 đến 2 tháng để khởi phát mầm hoa.
Sự phân bố sầu riêng tại Thái Lan
Sầu riêng bắt đầu được trồng ở miền Trung của Thái Lan từ thời vua Narai, thời kỳ Ayudhaya, cách nay 330 năm, được phân bố theo hai hướng: từ vùng Đông Bắc của Miến Điện và vùng phía nam của Thái Lan. Một số báo cáo cho rằng các giống sầu riêng của Thái Lan được du nhập từ Mã Lai vào năm 1787. Các giống sầu riêng tốt hiện nay có nguồn gốc từ tỉnh Thonburi, hiện nay là một phần của Bangkok. Ban đầu, cây được nhân giống chủ yếu từ hạt và chiết cành từ ba giống tốt là E-Batr, Thong Suk và Karaket. Điều này dẫn tới sự xuất hiện của nhiều giống tốt khác do thụ phấn chéo. Từ Thonburi, giống sầu riêng được phân phối đến Bangkok, Nonthaburi và Samutsongkram, cây phát triển rất tốt, đặc biệt là ở tỉnh Nonthaburi. Theo APAARI, nhiều người cho rằng Nonthaburi là vùng trồng sầu riêng thương mại đầu tiên của Thái Lan, sau đó lan sang các vùng phía Đông và phía Bắc.
Hiện nay, ngành trồng sầu riêng tập trung chủ yếu ở phía Đông( chiếm 49% tổng diện tích sầu riêng, trong đó chủ lực là hai tỉnh Chanthaburi và Rayong) và ở phía Nam(44% tổng diện tích, chủ yếu phân bố ở tỉnh Chumporn). Thái Lan có hơn 200 giống sầu riêng, tuy nhiên, chỉ có bốn giống được trồng rộng rãi. Monthong và Chanee là hai giống phổ biến nhất, chiếm 90% diện tích trồng sầu riêng, 10% diện tích còn lại là của hai giống ít phổ biến hơn, Kradumthong và Kanyao.
Sự phân bố sầu riêng tại Mã Lai
Sầu riêng được trồng hầu như ở tất cả các bang của Mã Lai. Năm 1992 sản lượng sầu riêng đạt 384.000 tấn với diện tích trồng khoảng 61.000 ha, chiếm 31% tổng diện tích cây ăn trái của Mã Lai. Vùng trồng sầu riêng ở Tây Mã Lai có thể được chia thành ba vùng riêng biệt do ảnh hưởng của gió mùa và sự thay đổi từ thời tiết ẩm ướt – mưa nhiều sang thời tiết khô hạn và tác động của các đợt hạn ngắn.
Ở vùng 1(vùng phía bắc), mùa mưa diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 2. Sầu riêng ra hoa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Đôi khi có đợt hạn bà chằn diễn ra vào tháng 6 có thể làm cho cây ra hoa, tùy thuộc vào mức độ khô hạn. Thời điểm ra trái diễn ra chủ yếu trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7. Tuy nhiên, ở một số vùng như Seberang Jaya, sầu riêng có thể chín vào cuối tháng 4. Ở đảo Penang và vùng phía Đông của bang Kedah, mùa sầu riêng bắt đầu từ tháng 5, cao điểm vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 8.
Ở vùng 2 (vùng Tây, Trung và Nam) bao gồm Nam Perak, Selangor, Negeri Sembilan, Malacca, Pahang và Johore. Vùng này thường có hai đợt hạn bà chằn trong tháng 1 – 2 và tháng 7 – 8, kéo dài trong 2 – 3 tuần. Mùa mưa diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12. Do đó, ở vùng này sầu riêng có xu hướng ra hoa 2 lần trong năm, tháng 2 – 4 và tháng 7 – 9. Cùng với đó thời điểm mang trái chủ yếu diễn ra vào vào tháng 7 – 8 và vụ nghịch diễn ra từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau.
Vùng 3, Duyên hải miền Đông, kéo dài từ bang Kelantan ở phía Bắc đến phía Nam, bang Johore. Vùng này chỉ có một vụ sầu riêng, từ tháng 7 đến tháng 9. Sầu riêng ra hoa chủ yếu trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Từ tháng 10 đến tháng 1, mùa mưa diễn ra ở nửa đầu của đợt gió mùa Đông Bắc. Kể từ đó, thời tiết khô ráo diễn ra ở mức độ vừa phải.Ở phía Đông Mã Lai, sầu riêng trồng ở cả hai bang chủ yếu tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu, một phần nhỏ xuất khẩu sang Brunei và Singapore.